Bài 5. TỪNG BƯỚC HOÀN THIỆN BẢN THÂN (Văn bản thông tin)
MỤC TIÊU
|
ĐỌC
TRI THỨC NGỮ VĂN
– Văn bản giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động là một kiểu văn bản thông tin. Văn bản này giúp cho người đọc hiểu được mục đích, ý nghĩa, quy cách thực hiện trò chơi hay hoạt động. Vì thế, văn bản thông tin giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động yêu cầu phải bố cục rõ ràng, các đề mục có sự kết hợp hiệu quả các phương tiện ngôn ngữ với phương tiện phi ngôn ngữ.
– Thông tin cơ bản là thông tin chính, quan trọng, giúp cho người đọc hiểu được nội dung của quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động.
– Thông tin chi tiết thể hiện ở: đề mục, tiểu mục, các phần, các đoạn trong văn bản (gồm cả phương tiện ngôn ngữ và phương tiện phi ngôn ngữ như: số liệu, bảng biểu, sơ đồ, hình ảnh,…).
– Cước chú là phần lời giải thích các từ ngữ, chi tiết, nguồn trích dẫn,… được dùng trong từng trang của văn bản, đặt ở chân trang.
– Tài liệu tham khảo là danh mục các tài liệu (như sách, công trình khoa học, bài báo, bài viết,…) được tác giả của văn bản trích dẫn, tham khảo. Các tài liệu tham khảo này được thể hiện ở cuối văn bản và trình bày theo quy cách nhất định.
– Thuật ngữ là từ, ngữ biểu thị các khái niệm khoa học, công nghệ, thường được dùng trong các văn bản thông tin thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn bản nghị luận.
– Đặc điểm của thuật ngữ:
+ Trong một lĩnh vực khoa học, công nghệ, mỗi thuật ngữ chỉ biểu thị một khái niệm, và ngược lại, mỗi khái niệm chỉ được biểu thị bằng một thuật ngữ.
+ Thuật ngữ không có tính biểu cảm.
– Chức năng của thuật ngữ: biểu thị các khái niệm khoa học, công nghệ.
VĂN BẢN 1: CHÚNG TA CÓ THỂ ĐỌC NHANH HƠN? (A-đam Khu)
1. Tác giả
– Tác giả A-đam Khu (Adam Khoo, tên đầy đủ là Adam Khoo Yean Ann), sinh năm 1974, người Sin-ga-po (Singapore).
– Ông là một doanh nhân, một diễn giả, tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy.
– Lúc còn nhỏ, A-đam Khu được cho là một đứa trẻ có năng khiếu nhưng lơ là, không có hứng thú với việc học nên kết quả thấp, thậm chí phải rời khỏi trường Tiểu học vì không đủ điểm.
– Nhờ gặp được những phương pháp học phù hợp, A-đam Khu đã lấy lại được động lực học tập, có niềm tin vào bản thân, tạo ra bước ngoặt, được vào học ở những trường hàng đầu Sin-ga-po, du học ở Mỹ.
– Hiện tại, A-đam Khu là tỉ phú trẻ ở Sin-ga-po. Ông đang là chủ tịch, nhà điều hành và chuyên gia đào tạo cao cấp của Tập đoàn giáo dục Adam Khoo Learning Technologies Group (AKLTG), chuyên tổ chức các khóa đào tạo và hội thảo cho các công ty đa quốc gia và cá nhân khắp châu Á. Ông cũng là một chuyên gia tư vấn tài chính, tiếp thị, quản trị, lãnh đạo và phát huy tiềm năng con người hàng đầu châu Á.
– Một số sách của A-đam Khu: Tôi tài giỏi, bạn cũng thế!; Con cái chúng ta đều giỏi; Làm chủ tư duy thay đổi vận mệnh; Bí quyết thành công cho tuổi teen;…
2. Cuốn sách Tôi tài giỏi, bạn cũng thế!
– Tôi tài giỏi, bạn cũng thế! xuất bản lần đầu tiên năm 1998, lúc A-đam Khu còn là sinh viên nganh Quản trị kinh doanh trường Đại học Quốc gia Sin-ga-po (NUS).
– Cuốn sách gồm 4 phần với 18 chương:
Phần I: Tôi tài giỏi, bạn cũng thế!
Chương 1. Từ “đần độn” trở thành thiên tài
Chương 2. Quá trình học tập hiệu quả
Chương 3. Bạn đã sẵn sàng để thành công chưa?
Chương 4. Tôi tin tôi có thể bay cao…. và tôi làm được.
Phần II: Những phương pháp học siêu đẳng
Chương 5. Bạn sở hữu một bộ não thiên tài
Chương 6. Phương pháp đọc để nắm bắt thông tin
Chương 7. Sơ đồ tư duy: công cụ ghi chú tối ưu
Chương 8. Trí nhớ siêu đẳng dành cho từ
Chương 9. Trí nhớ siêu đẳng dành cho số
Chương 10. Mô hình trí nhớ
Chương 11. Nghệ thuật ứng dụng lý thuyết vào thực hành
Phần III: Động lực cá nhân của bạn
Chương 12. Dám mơ ước: sức mạnh của mục tiêu
Chương 13. Động lực mạnh mẽ: vượt qua sự lười biếng
Chương 14. Công thức để đạt điểm tuyệt đối
Chương 15. Thời gian là tiền bạc
Chương 16. Tạo quyết tâm mạnh mẽ tức thì
Phần IV: Phương pháp thi cử
Chương 17. Tăng tốc về đích
Chương 18. Chiến thắng và vinh quang
– Văn bản Chúng ta có thể đọc nhanh hơn? trích từ chương 6. Phương pháp đọc để nắm bắt thông tin thuộc phần II. Những phương pháp học siêu đẳng.
3. Các yếu tố của văn bản thông tin thể hiện trong văn bản Chúng ta có thể đọc nhanh hơn? (A-đam Khu)
– Thông tin cơ bản: Hướng dẫn phương pháp đọc nhanh, nắm bắt thông tin hiệu quả, phát triển kĩ năng đọc tốt hơn.
– Thông tin chi tiết được thể hiện ở:
+ Đề mục: Chúng ta có thể đọc nhanh hơn?
+ Các tiểu mục:
1. Sử dụng một cây bút chì làm vật dẫn đường
2. Tìm kiếm những ý chính và những từ khoá
3. Mở rộng tầm mắt để đọc được một cụm 5 – 7 chữ một lúc
4. Tập nghe nhạc nhịp độ nhanh trong lúc đọc khi bạn có một không gian riêng
5. Đọc phần tóm tắt cuối chương trước
6. Liên tục thúc đẩy và thử thách khả năng của bạn.
+ Các phương tiện ngôn ngữ: nội dung các tiểu mục.
+ Các phương tiện phi ngôn ngữ: Hình minh hoạ 1, Hình minh hoạ 2, Hình minh hoạ 3.
– Cước chú: chân trang 100 và 101 của SGK.
+ Cước chú trang 100 làm rõ sự phân biệt giữa “đọc bằng mắt” và “đọc thầm”.
+ Cước chú trang 101 ghi chú việc chỉ trích 6 trong số 22 tài liệu tham khảo từ văn bản gốc.
– Tài liệu tham khảo: gồm 6 tài liệu tham khảo đặt ở nửa đầu trang 101 SGK, trình bày theo thứ tự tên tác giả trong bảng chữ cái. Mỗi tài liệu tham khảo có các thông tin được sắp xếp theo trình tự: tên tác giả, tên sách, tên nhà xuất bản, năm xuất bản.
– Văn bản có sử dụng một số thuật ngữ: đọc, bút chì, vật dẫn đường, tốc độ, từ khoá, sách, tầm mắt, văn bản,…
VĂN BẢN 2: CÁCH GHI CHÉP ĐỂ NẮM CHẮC NỘI DUNG BÀI HỌC (Du Gia Huy)
1. Giới thiệu chung
– Bộ sách Kĩ năng vàng cho teen thế kỉ 21 do một số giáo sư thuộc Đại học Đài Loan biên soạn và giới thiệu. Bộ sách gồm 6 cuốn viết về các kĩ năng thiết thực đối với các bạn trẻ:
+ Bí kíp làm chủ môn Văn
+ Bí kíp thuyết trình thành công
+ Bí kíp quản lí cảm xúc
+ Bí kíp phát huy sở trường và định hướng nghề nghiệp
+ Bí kíp quản lí thời gian
+ Bí kíp ghi chép hiệu quả
– Mỗi cuốn sách có phần lí thuyết về các kĩ năng và phần minh hoạ bằng các câu chuyện nhỏ, hình ảnh sinh động.
– Bộ sách này do Nhà xuất bản Kim Đồng hợp tác xuất bản tại Việt Nam năm 2020 và 2021, dịch giả Thiện Minh.
– Cuốn Bí kíp ghi chép hiệu quả của tác giả Du Gia Huy (Di Huân minh hoạ) viết về cách rèn luyện kĩ nang ghi chép. Sách gồm 3 chương. Phần văn bản Cách ghi chép để nắm chắc nội dung bài học là một trong tám vấn đề được trình bày ở chương 2 của cuốn sách.
2. Các yếu tố của văn bản thông tin thể hiện trong văn bản Cách ghi chép để nắm chắc nội dung bài học
– Thông tin cơ bản: Hướng dẫn cách ghi chép để nắm chắc nội dung bài học.
– Thông tin chi tiết được thể hiện ở:
+ Đề mục: Cách ghi chép để nắm chắc nội dung bài học
+ Các tiểu mục:
A. LẬP RA QUY TẮC GHI CHÉP: CHIA RÕ CÁC PHẦN
1. Phân vùng
2. Chia theo màu sắc
3. Khoanh vùng “trọng tâm”
* Mẹo nhỏ giúp ghi chép để khi đọc là hiểu ngay
B. HỌC CÁCH TÌM NỘI DUNG CHÍNH
1. Tìm từ khoá và câu chủ đề
2. Đánh dấu những nội dung mà thầy, cô giáo nhấn mạnh tầm “quan trọng” hay giảng đi giảng lại nhiều lần
3. Tự đặt câu hỏi và trả lời
4. Dùng sơ đồ tóm tắt lại những kiến thức đã học
C. PHÂN TÍCH VÀ ĐỐI CHIẾU: THIẾT LẬP MỐI LIÊN HỆ GIỮA CÁC TRỌNG TÂM BÀI HỌC
+ Các phương tiện ngôn ngữ: nội dung các mục, tiểu mục.
+ Các phương tiện phi ngôn ngữ: Hình minh hoạ Phân vùng A, B, C trên trang ghi chép.
– Cước chú: chân trang 103 ghi chú lược bớt những “cách đánh dấu”.
– Văn bản có sử dụng một số thuật ngữ: ghi, nội dung, bài học, vùng, trọng tâm, quan trọng,…
VĂN BẢN 3: THUỶ TIÊN THÁNG MỘT (Thô-mát L. Phrít-man) [Ngữ văn 7, tập hai, trang 78, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống]
1. Tác giả
– Thô-mát L. Phrít-man sinh năm 1953, là nhà báo người Mỹ, phụ trách chuyên mục các vấn đề quốc tế của báo Niu Oóc Thai-mơ.
– Thô-mát L. Phrít-man đã ba lần được trao giải Pu-lit-dơ (Pulitzer) – giải thưởng hằng năm trao cho nhiều lĩnh vực, trong đó có báo chí và văn học.
– Các tác phẩm nổi tiếng: Chiếc Lếch-xớt (Lexus) và cây ô-liu (1999), Thế giới phẳng (2005 – 2007), Nóng, Phẳng, Chật (2008),…
– Nóng, Phẳng, Chật có nội dung về những thách thức lớn nhất mà nước Mỹ phải đối mặt hiện nay: khủng hoảng môi trường toàn cầu và việc đánh mất vị thế của một quốc gia dẫn đầu.
– Văn bản Thuỷ tiên tháng Một là một bài nằm trong mục 5 (Sự bất thường của Trái Đất) thuộc phần 2 (Tại sao chúng ta ở đây).
2. Nội dung chính của văn bản Thuỷ tiên tháng Một
– Phần 1: (Từ đầu đến… hạn hán kéo dài hơn ở nơi khác): Hiện tượng biến đổi khí hậu trên Trái Đất không chỉ là sự nóng lên của Trái Đất mà là sự bất thường của Trái Đất dẫn đến nhiều vấn đề thời tiết cực đoan, nghiêm trọng.
– Phần 2: (Phần tiếp theo đến hết văn bản): Lí giải về sự xuất hiện đồng thời hai thái cực của thời tiết và những minh chứng về hiện tượng thời tiết cực đoan trên thế giới.
3. Sự bất thường của Trái Đất
– Nhiệt độ trung bình của Trái Đất tăng dẫn đến hiện tượng tượng thời tiết bất thường như: hạn hán ở nơi này còn tuyết dày ở nơi kia; bão lớn hơn, lũ lụt nặng nề hơn; cháy rừng dữ dội hơn; các loài sinh vật biến mất;…
– Những bông hoa thuỷ tiên ở Bet-the-xđa, bang Ma-ri-lan vốn thường nở vào tháng Ba thì năm nay (tại thời điểm bài viết nói đến) lại nở từ đầu tháng Một. Đó chính là do sự bất thường của thời tiết.
– Lí giải: nhiệt độ Trái Đất tăng lên tạo nên sự chênh lệch nhiệt độ, thay đổi hướng gió trên bề mặt Trái Đất, thay đổi cả tình hình gió mùa; Trái Đất nóng lên làm nước bay hơi nhanh hơn, tốc độ bay hơi nước nhanh hơn làm những nơi khô hạn mất nước nhiều hơn, gây hạn hán nặng, ở những nơi gần diện tích mặt nước rộng sẽ có lượng mưa lớn hơn, dễ gây lũ lụt.
4. Các yếu tố của văn bản thông tin
– Thông tin chính: Cung cấp thông tin một cách toàn diện, khoa học, chính xác về thực trạng khí hậu, thiên nhiên trên Trái Đất hiện nay và đặt ra vấn đề cấp bách trong việc ứng phó, cải thiện các xu hướng thời tiết cực đoan.
– Thông tin chi tiết:
+ Đoạn 1: Trái Đất không chỉ đang nóng lên mà còn thay đổi bất thường.
+ Đoạn 2: Những biểu hiện bất thường của khí hậu trên Trái Đất.
+ Đoạn 3, 4: Lí giải nguyên nhân của khí hậu bất thường, thời tiết cực đoan.
+ Đoạn 5: Vấn đề sự rối loạn khí hậu toàn cầu.
+ Đoạn 6, 7: Các thông tin về sự bất thường, rối loạn của thời tiết.
– Các tài liệu tham khảo được trích dẫn:
+ Trang CNN.com (07/8/2007) giới thiệu một báo cáo Sự bất thường của Trái Đất năm 2007 của Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc.
+ Báo Niu-Oóc Thai-mơ ngày 13/6/2008.
– Cước chú: chân trang 78, 79, 80, 81.
– Số liệu: trích từ báo cáo Sự bất thường của Trái Đất năm 2007 của Tổ chức khí tượng thế giới.
– Thuật ngữ: Trái Đất, khí hậu, thời tiết, gió, mưa, hơi nước, bão,…
THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT
– Bài tập về thuật ngữ.
– Bài tập về phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ.
VIẾT
Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động
Quy trình viết văn bản thuyết minh
về một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động |
||||||||
Bước 1:
Chuẩn bị trước khi viết |
– Xác định đề tài
– Thu thập tư liệu
|
|||||||
Bước 2:
Tìm ý, lập dàn ý |
– Tìm ý
– Lập dàn ý
|
|||||||
Bước 3:
Viết bài |
Dựa vào dàn ý viết bài viết hoàn chỉnh.
Lưu ý: – Lưu ý chuyển đoạn để thể hiện sự thay đổi trong quy tắc, luật lệ. – Dựa vào kinh nghiệm của mình để lưu ý người đọc chú ý, tránh một số sai sót. |
|||||||
Bước 4:
Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm |
– Xem lại và chỉnh sửa
– Rút kinh nghiệm |
NÓI VÀ NGHE
Giải thích quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động
Quy trình giải thích quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động | |
Bước 1 | Xác định đề tài, người nghe, mục đích, không gian và thời gian nói |
Bước 2 | Tìm ý, lập dàn ý |
Bước 3 | Luyện tập và trình bày
Lưu ý khi luyện tập: – Lựa chọn từ ngữ phù hợp với văn nói; cố gắng sử dụng từ ngữ chỉ thứ tự trình bày các bước, thao tác của hoạt động; nhấn mạnh vào những điểm cần lưu ý của hoạt động. – Dùng câu phù hợp với văn nói để khích lệ người nghe thực hiện trò chơi hay hoạt động được giới thiệu. – Chuẩn bị phần mở đầu và kết thúc sao cho hấp dẫn. Lưu ý khi trình bày: – Chào người nghe và giới thiệu tên mình. – Dùng ngôi thứ nhất để giải thích hoạt động và các quy cách thực hiện; sử dụng cách xưng hô phù hợp với đối tượng người nghe. – Trình bày rõ ràng, mạch lạc và có điểm nhấn những nội dung liên quan đến quy tắc/ luật lệ của trò chơi hay hoạt động. – Sử dụng ngữ điệu linh hoạt và các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ (cử chỉ, điệu bộ,…) để mô tả những hành động, thao tác liên quan đến trò chơi hay một hoạt động để giới thiệu. – Khi nói cần tương tác với người nghe (nhìn vào mắt, hỏi và mời người nghe trả lời câu hỏi, trả lời câu hỏi của người nghe). – Sử dụng kết hợp các phương tiện trực quan như hình ảnh, dụng cụ, phim ngắn, sơ đồ,… để minh hoạ cho một số nội dung của bài nói. – Khi kết thúc bài nói cần cảm ơn sự theo dõi của người nghe. |
Bước 4 | Trao đổi, đánh giá |