Hướng dẫn nội dung, cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT từ năm học 2023-2024
[Lai Châu] Hướng dẫn nội dung, cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT từ năm học 2023-2024
I. Đối với môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT
1. Nội dung, mức độ
– Nội dung: Đề thi nằm trong chương trình cấp Trung học cơ sở (Chương trình giáo dục phổ thông 2006) chủ yếu là lớp 9, bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học chương trình THCS hiện hành và Công văn số 1757/SGDĐT-GDTrH-TX&CN ngày 03/9/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.
– Mức độ: Đề thi gồm 4 mức độ nhận thức, cụ thể: 40% nhận biết, 30% thông hiểu và 20% vận dụng, 10% vận dụng cao (riêng môn Ngữ văn: 40% nhận biết và thông hiểu và 60% vận dụng).
2. Hình thức thi
– Môn Ngữ văn: Tự luận
– Môn Toán: Tự luận
– Môn Tiếng Anh: Hình thức: Tự luận kết hợp với trắc nghiệm, với tỷ lệ 75% trắc nghiệm, 25% tự luận
3.Cấu trúc đề thi, đề minh họa
(Chi tiết theo Phụ lục I, II và III gửi kèm)
II. Với các môn chuyên thi vào lớp 10 chuyên, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn
1. Nội dung: Nội dung đề thi phù hợp chuẩn kiến thức kĩ năng và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học chương trình THCS hiện hành (Chương trình giáo dục phổ thông 2006), có phân hóa trình độ học sinh.
2. Hình thức: Đề thi được áp dụng hình thức tự luận đối với các môn thi vào các lớp chuyên Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học; tự luận kết hợp với trắc nghiệm với môn thi vào lớp chuyên Tiếng Anh.
3. Cấu trúc đề thi, đề minh họa
(Chi tiết theo Phụ lục IV, V, VI, VII và VIII gửi kèm)
A. Nội dung ôn tập
I. Hướng dẫn ôn tập
PHẦN ĐỌC HIỂU
1. Nhận biết
+ Tên tác giả, tên văn bản.
+ Năm sáng tác, hoàn cảnh sáng tác.
+ Phương thức biểu đạt (hoặc phương thức biểu đạt chính) của đoạn trích.
+ Thể thơ, thể loại truyện.
+ Phát hiện chi tiết, hình ảnh.
+ Chỉ ra các biện pháp tu từ, các thành phần biệt lập, khởi ngữ.
2. Thông hiểu
+ Nội dung chính của đoạn trích.
+ Phân tích, lí giải một số chi tiết, hình ảnh, nghệ thuật trong đoạn trích.
+ Phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ, các thành phần biệt lập, khởi ngữ.
PHẦN LÀM VĂN
1. Viết đoạn văn nghị luận xã hội
+ Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống tập trung vào các chủ đề: môi trường, an toàn giao thông, gương người tốt việc tốt.
+ Nghị luận về tư tưởng, đạo lí tập trung vào các chủ đề: tình cảm gia đình, lòng biết ơn, khiêm tốn, trung thực, dũng cảm.
Lưu ý: Chỉ ra đề tập trung vào một khía cạnh như: vai trò, ý nghĩa, hậu quả (kết quả), giải pháp.
2. Viết bài văn nghị luận văn học
– Phân tích đoạn thơ, bài thơ.
– Phân tích nhân vật.
II. Giới hạn các tác phẩm ôn tập trong chương trình Ngữ văn 9
* Truyện:
– Làng – Kim Lân
– Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long
– Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng
– Những ngôi sao xa xôi – Lê Minh Khuê
* Thơ:
– Đồng chí – Chính Hữu
– Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật
– Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận
– Sang thu – Hữu Thỉnh
– Viếng lăng Bác – Viễn Phương
– Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải
B. Cấu trúc đề thi
I. PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (nhận biết và thông hiểu 4,0 điểm).
– Ngữ liệu trong chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9 nằm trong khung ôn tập kèm theo.
– Thực hiện trả lời các câu hỏi (thường là 4 câu) đảm bảo các mức độ nhận biết, thông hiểu. (Trong đó có 50% câu hỏi nhận biết, 50% câu hỏi thông hiểu)
PHẦN II: LÀM VĂN (vận dụng 6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm): Nghị luận xã hội
Viết đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 200 chữ) về một khía cạnh của sự việc, hiện tượng đời sống hoặc tư tưởng đạo lí.
Câu 2 (4,0 điểm): Nghị luận văn học (trong khung nội dung ôn tập)
– Phân tích đoạn thơ, bài thơ.
– Phân tích nhân vật.
C. Đề thi minh họa
I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…”
(Trích SGK, Ngữ văn 9, tập hai)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. (1,0 điểm): Đoạn thơ trên trích trong bài thơ nào? Tác giả là ai?
Câu 2. (1,0 điểm): Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên.
Câu 3. (1,0 điểm): Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.”
Câu 4. (1,0 điểm): Nêu nội dung của đoạn thơ trên.\
II. LÀM VĂN (6,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm):
Viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bàn về vai trò của lòng biết ơn trong cuộc sống.
Câu 2. (4,0 điểm):
Phân tích nhân vật Phương Định trong văn bản “Những ngôi sao xa xôi”(trích) của tác giả Lê Minh Khuê.
———-———-Hết—–——–—-
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
A. Nội dung ôn tập
I. Hướng dẫn ôn tập
Nội dung Hướng dẫn ôn tập
PHẦN ĐỌC HIỂU
1. Nhận biết
– Tên tác giả, tên văn bản.
– Năm sáng tác, hoàn cảnh sáng tác.
– Phương thức biểu đạt (hoặc phương thức biểu đạt chính) của đoạn trích.
– Thể thơ, thể loại truyện.
– Xác định nhân vật và nhân trữ tình, cảm hứng chủ đạo, ngôi kể.
– Phát hiện chi tiết, hình ảnh.
– Chỉ ra các biện pháp tu từ, các thành phần biệt lập, khởi ngữ.
2. Thông hiểu
– Nội dung chính của đoạn trích.
– Phân tích, lí giải một số chi tiết, hình ảnh, nghệ thuật trong đoạn trích.
– Chỉ ra và phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ, các thành phần biệt lập, khởi ngữ.
3. Vận dụng
Rút ra thông điệp, bài học; bày tỏ quan điểm về vấn đề được đặt ra trong đoạn trích với bản thân học sinh…
PHẦN LÀM VĂN
1. Viết đoạn văn nghị luận xã hội
Viết đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 200 chữ) về một khía cạnh của sự việc hiện tượng đời sống hoặc tư tưởng đạo lí.
Lưu ý: Chỉ ra đề tập trung vào một khía cạnh như: vai trò, ý nghĩa, hậu quả (kết quả), giải pháp.
2. Viết bài văn nghị luận văn học
Tập trung vào hai vấn đề lí luận văn học:
– Đặc trưng thể loại thơ, truyện.
– Chức năng của văn học.
Dẫn chứng minh họa từ các tác phẩm trong giới hạn.
II. Giới hạn các tác phẩm ôn tập trong chương trình Ngữ văn 9
* Truyện:
– Làng – Kim Lân
– Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long
– Chiếc lược ngà – Nguyện Quang Sáng
– Những ngôi sao xa xôi – Lê Minh Khuê
* Thơ:
– Đồng chí – Chính Hữu
– Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật
– Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận
– Bếp lửa – Bằng Việt
– Ánh trăng – Nguyễn Duy
– Sang thu – Hữu Thỉnh
– Viếng lăng Bác – Viễn Phương
– Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải
B. Cấu trúc đề thi
PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (nhận biết, thông hiểu và vận dụng 3,0 điểm).
– Ngữ liệu trong chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9 nằm trong khung ôn tập kèm theo.
– Thực hiện trả lời các câu hỏi (thường là 4 câu) đảm bảo các mức độ nhận biết (1,0 điểm), thông hiểu (1,0 điểm), vận dụng (1,0 điểm).
PHẦN II: LÀM VĂN (vận dụng 7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm): Nghị luận xã hội
Viết đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 200 chữ) về một khía cạnh của sự việc, hiện tượng đời sống hoặc tư tưởng đạo lí.
Câu 2 (5,0 điểm): Nghị luận văn học
Tập trung vào hai vấn đề lí luận văn học:
– Đặc trưng thể loại thơ, truyện.
– Chức năng văn học.
C. Đề thi minh họa
SỞ GD&ĐT LAI CHÂU
ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10
MÔN: NGỮ VĂN (chuyên)
Thời gian làm bài: 150 phút
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”.
(“Mùa xuân nho nhỏ” – Thanh Hải)
Câu 1. (0,5 điểm): Hãy chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ?
Câu 2. (0,5 điểm): Nêu hoàn cảnh sáng tác của bài thơ? Hoàn cảnh đó có ý nghĩa thế nào đối với việc bày tỏ cảm xúc của nhà thơ?
Câu 3. (1,0 điểm): Xác định 2 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn thơ và phân tích hiệu quả nghệ thuật của chúng?
Câu 4.(1,0 điểm): Đoạn thơ gợi cho anh (chị) những tình cảm gì về ý nghĩa cuộc sống của mỗi con người?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về vai trò của khát vọng trong cuộc sống.
Câu 3. (5,0 điểm)
Trong một cuộc thảo luận về truyện ngắn, nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng: “Quan trọng nhất của truyện ngắn là tạo ra một tình huống nào đấy, từ tình huống ấy bật nổi một bản chất tính cách nhân vật hoặc bộc lộ một tâm trạng”.
Em hiểu như thế nào về ý kiến trên? Từ tác phẩm “Làng” của nhà văn Kim Lân, hãy làm sáng tỏ điều đó.
——————–Hết—————–