Nội dung 1: Quy định và yêu cầu về quản lý cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ dạy học, giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với trường THCS
Hoạt động 1: Nghiên cứu về quy định và yêu cầu quản lý CSVC, TB&CN trong dạy học, giáo dục học sinh theo CTGDPT 2018 đối với trường THCS
QUY ĐỊNH VÀ YÊU CẦU VỀ QUẢN LÝ CƠ SỞ VẬT CHẤT, THIẾT BỊ VÀ CÔNG NGHỆ DẠY HỌC THEO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018 ĐỐI VỚI TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ
1. Quy định và yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học, giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với trường Trung học cơ sở
1.1. Quy định và yêu cầu về cơ sở vật chất

a. Về địa điểm, quy mô, diện tích
- Yêu cầu vị trí đặt trường, điểm trường; Quy mô; Diện tích khu đất xây dựng trường; Định mức diện tích sàn xây dựng các hạng mục công trình; Các hạng mục công trình trực tiếp phục vụ hoạt động dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục được quy định cụ thể tại Điều 13, Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT
b. Về tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu:
- Khối phòng hành chính quản trị; Khối phòng học tập; Khối phòng hỗ trợ học tập; Khối phụ trợ; Khu sân chơi, thể dục thể thao; Khối phục vụ sinh hoạt; Hạ tầng kỹ thuật; Các hạng mục công trình; Thiết bị dạy học được quy định cụ thể tại Điều 14, Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT;
- Đối với những trường THCS đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, tuỳ thuộc vào điều kiện của nhà trường có thể đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2 theo Điều 15 và Điều 16, Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT.
c. Yêu cầu về phòng học bộ môn (Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT)
- Trường THCS có các phòng học bộ môn: Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mĩ thuật, Đa chức năng, Khoa học xã hội (sử dụng chung cho các môn học Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lí);
- Cơ sở giáo dục phổ thông có tối thiểu 01 phòng thiết bị giáo dục để cất giữ, bảo quản và chuẩn bị thiết bị dạy học cho các môn học không có phòng học bộ môn; Thiết kế và xây dựng phòng học bộ môn phải đảm bảo theo theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành;
- Phòng học bộ môn được sử dụng để tổ chức dạy học các nội dung về thí nghiệm, thực hành theo yêu cầu của chương trình môn học; Tổ chức các hoạt động giáo dục định hướng nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học, thực hiện giáo dục STEM; Lưu giữ, bảo quản các thiết bị dạy học của các môn học tương ứng với tính chất của loại phòng học bộ môn.
1.2. Quy định và yêu cầu thiết bị và công nghệ trong dạy học, giáo dục
a. Yêu cầu thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6 (Thông tư số 44/2020/TT-BGDĐT)
- Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6, bao gồm: Môn Ngữ Văn, môn Toán, môn Ngoại ngữ, môn Giáo dục công dân, môn Lịch sử và Địa lý, môn Khoa học tự nhiên, môn Công nghệ, môn Tin học, môn Giáo dục thể chất, môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), Hoạt động trải nghiệm và thiết bị dùng chung.

b) Thiết bị dạy học trong phòng học bộ môn

- Được trang bị đầy đủ các thiết bị có trong danh mục thiết bị dạy học tương ứng với từng loại phòng học bộ môn;
- Khuyến khích trang bị các thiết bị khác nhằm đáp ứng yêu cầu đối mới phương pháp dạy học, ứng dụng các công nghệ mới, nâng cao kỹ năng thí nghiệm, thực hành của học sinh;
- Hỗ trợ chuyên đề dạy học, nghiên cứu khoa học và định hướng giáo dục nghề nghiệp trong cơ sở giáo dục phổ thông;
- Thiết bị giáo dục trong phòng học bộ môn được bố trí, sắp xếp hợp lý, khoa học, phù hợp về yêu cầu kỹ thuật, công năng sử dụng, nội dung môn học nhằm bảo đảm thuận tiện khi sử dụng, bảo quản và không làm giảm tính năng của từng phòng học bộ môn.
1.3. Quy định và yêu cầu về công nghệ thông tin phục vụ dạy học các môn học, hoạt động giáo dục cấp Trung học cơ sở theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018

a. Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá trong tất cả các môn học;
- Phát động giáo viên xây dựng bài giảng E-learning, ngân hàng câu hỏi trực tuyến, tư liệu, tài liệu, sách điện tử đóng góp vào kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến, kho học liệu số của ngành và Hệ tri thức Việt số hóa;
- Chú trọng đến ứng dụng công nghệ thông tin trong những điều kiện dạy học khác nhau, đặc biệt là dạy học trực tuyến;
- Triển khai mô hình ứng dụng Công nghệ thông tin trong các cơ sở giáo dục theo hướng dẫn tại Công văn số 5807/BGDĐT-CNTT ngày 21/12/2018 của Bộ GDĐT.
b. Triển khai hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin
- Rà soát, duy trì, nâng cấp trang thiết bị công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và dạy môn Tin học, đảm bảo kết nối cáp quang Internet tới tất cả các cơ sở giáo dục;
- Xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền chuẩn bị đội ngũ giáo viên, phòng máy tính và các hạ tầng thông tin khác phục vụ việc triển khai giảng dạy môn Tin học theo CTGDPT mới;
- Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn an ninh thông tin đối với các hệ thống công nghệ thông tin (phần cứng, phần mềm, wesbite…). Thường xuyên rà soát, khắc phục các nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin.
2. Quy định và yêu cầu về quản lý cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học, giáo dục học sinh đối với trường Trung học cơ sở
2.1. Công tác cơ sở vật chất

a) Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp học
- Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có, trên cơ sở đó: (i) điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng; (ii) xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, phòng chức năng, thư viện, nhà vệ sinh, nhà ăn, phòng ở cho học sinh nội trú để bảo đảm đủ điều kiện thực hiện CTGDPT mới;
- Tiến hành rà soát cơ sở vật chất trường, lớp học để đánh giá lại chất lượng các công trình trong nhà trường nhất là trong mùa mưa bão, lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.
- Lập kế hoạch chi tiết cụ thể, tổ chức thực hiện tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học đáp ứng điều kiện tối thiểu để thực hiện CTGDPT và lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa;
- Quan tâm đầu tư các điều kiện và tận dụng tối đa cơ sở vật chất nhà trường để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện theo hướng kết hợp dạy học văn hóa với tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp;
b) Quản lý, sử dụng cơ sở vật chất
- Rà soát, điều chỉnh, bố trí, sắp xếp lại cơ sở vật chất hiện có một cách hợp lý, bảo đảm đủ phòng học nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất trong các cơ sở giáo dục;
- Phối hợp kiểm tra việc lập thiết kế cải tạo các công trình trường học đã xuống cấp theo các tiêu chuẩn thiết kế trường học và Quy chuẩn xây dựng Việt Nam;
- Kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình đã hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn theo quy định khi chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp.
c) Đối với các công trình nhà vệ sinh và nước sạch trong trường học
- Rà soát, đánh giá thực trạng, lập kế hoạch xây mới, sửa chữa, cải tạo nhà vệ sinh và công trình nước sạch theo các Tiêu chuẩn thiết kế (TCVN) và Quy chuẩn quốc gia;
- Kế hoạch của mỗi cơ sở giáo dục phải thể hiện các nội dung: (i) nêu được thực trạng, đề xuất kế hoạch cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh, công trình nước sạch; (ii) quy chế bảo quản, sử dụng nhà vệ sinh, công trình nước sạch đúng cách; (iii) mô hình quản lý, vận hành và sử dụng nhà vệ sinh, công trình nước sạch phù hợp thực tiễn của trường, chú trọng xây dựng mô hình tự quản của giáo viên và học sinh; (iiii) gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục với việc bảo đảm vệ sinh trường học;
- Kế hoạch của cơ sở giáo dục được phổ biến đến tất cả các giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và các tổ chức, cá nhân có liên quan;
2.2. Công tác sách và thiết bị dạy học

a) Lập kế hoạch và tổ chức mua sắm thiết bị dạy học
- Kiểm tra, rà soát thực trạng mua sắm thiết bị dạy học hiện có để lập kế hoạch chi tiết sửa chữa, thay thế, nâng cấp, mua sắm bổ sung những mua sắm thiết bị dạy học cần thiết và đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học theo chương trình hiện hành, đồng thời chuẩn bị cho đổi mới CTGDPT.
- Chỉ đạo, tổ chức phong trào tự làm mua sắm thiết bị dạy học để bổ sung, cải tiến, sửa chữa nhằm phát huy hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học đã được trang bị, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục;
- Thiết bị dạy học là thiết bị đặc thù, chuyên dùng, vì vậy, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức rà soát, lập kế hoạch mua sắm bổ sung các thiết bị còn thiếu, bảo đảm chất lượng, số lượng và kịp thời phục vụ năm học. Việc đầu tư, mua sắm thiết bị dạy học cần tổ chức một cách khoa học, tiết kiệm, hiệu quả; đặc biệt chú trọng công tác kiểm định, nghiệm thu sản phẩm.
b) Sách giáo khoa và tài liệu tham khảo
- Sách giáo khoa sử dụng trong trường trung học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường trung học hướng dẫn giáo viên, học sinh sử dụng sách giáo khoa theo quy định của pháp luật;
- Thiết bị dạy học sử dụng trong nhà trường thuộc danh mục thiết bị dạy học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và các thiết bị dạy học khác theo quy định của CTGDPT;
- Trường trung học lựa chọn, trang bị thiết bị dạy học, xuất bản phẩm tham khảo phục vụ cho hoạt động dạy học và giáo dục theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Các cơ sở giáo dục rà soát, thống kê số lượng học sinh hiện có, đặc biệt chú trọng học sinh đầu cấp để xác định nhu cầu về sách giáo khoa và có phương án cung ứng đủ, kịp thời cho học sinh trước năm học mới; Rà soát sách giáo khoa, tài liệu tham khảo trong thư viện để có kế hoạch mua sắm bổ sung và duy trì hoạt động thường xuyên của thư viện bảo đảm phục vụ tốt việc dạy và học trong các cơ sở giáo dục;
- Nghiêm cấm cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên cố tình ép buộc học sinh, cha mẹ học sinh phải mua thêm sách tham khảo;
- Người đứng đầu các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm bố trí để giáo viên đứng lớp, nhân viên thiết bị, thí nghiệm tham gia tập huấn, bồi dưỡng sử dụng thiết bị dạy học theo nội dung chương trình và sách giáo khoa. Cần có người chịu trách nhiệm chính về khai thác, sử dụng và bảo quản các thiết bị để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững khi khai thác CSVC và TB&CN.
d) Bảo quản và khai thác sử dụng thiết bị
- Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức khai thác sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học đã được đầu tư trong các cơ sở giáo dục phục vụ cho công tác dạy và học bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí.
2.3. Nguồn lực thực hiện

Ngoài nguồn ngân sách nhà nước đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt, cơ sở giáo dục khuyến khích, huy động mọi nguồn lực, các nguồn vốn trong dân cư, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các nhà đầu tư dưới nhiều hình thức (góp vốn xây dựng, hiến đất xây dựng, đầu tư xây dựng trực tiếp, cho vay vốn đầu tư xây dựng…) để góp phần giải quyết các khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.