Tìm hiểu quản trị tài chính trường THCS theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình hướng tới nâng cao kết quả giáo dục học sinh
Yêu cầu cần đạt:
- Hiểu được khái niệm, nội dung QTTC trường THCS;
- Trình bày được sự phân cấp trong QTTC trường THCS;
- Hiểu được khái niệm, nội dung tự chủ và trách nhiệm giải trình về tài chính trường THCS.
- Phân tích được mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ QTTC trường THCS theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình, hướng tới nâng cao kết quả giáo dục HS để thực hiện CTGDPT 2018.
Nhiệm vụ của người học:
- Nghiên cứu tài liệu số 2: QTTC trường THCS theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình hướng tới nâng cao kết quả giáo dục học sinh.
- Xem video 5: Quản trị tài chính trường THCS theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình hướng tới nâng cao kết quả giáo dục học sinh.
- Trả lời các câu hỏi, làm các bài tập trắc nghiệm liên quan đến nội dung bài học của hoạt động 2.2.
1
1
2.2. Quản trị tài chính trường trung học cơ sở theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình hướng tới nâng cao kết quả giáo dục học sinh
2.2.1. Phân cấp trong quản trị tài chính đối với trường trung học cơ sở
Đối với trường trung học cơ sở, việc phân cấp quản trị tài chính có tác động rất lớn đến hoạt động quản trị tài chính nhà trường hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Được thể hiện ở các mặt sau:
- Việc phân cấp thúc đẩy sự tham gia của những bên liên quan đến hoạt động tài chính trong trường, của các cấp, các ngành, của chính quyền, phụ huynh học sinh và cộng đồng;
- Tác động tích cực đến việc thực hiện minh bạch, công khai trong công tác tài chính của nhà trường;
- Phân cấp nói chung, phân cấp trong quản trị tài chính nói riêng đặt vai trò trách nhiệm, nhấn giải trình của cấp dưới với cấp trên, của cấp trên với cấp dưới và với các bên liên quan theo quy định;
- Phân cấp quản trị tài chính tạo điều kiện cho nhân dân được tiếp cận với giáo dục trung học cơ sở được tốt hơn, đặc biệt là đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục được và đảm bảo sự công bằng trong giáo dục;
- Tăng thêm các nguồn tài chính cho nhà trường, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn của nhà trường đầu tư cho việc xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên, kế hoạch phát triển CSVC, TB-CN, kế hoạch cải thiện, nâng cao thu nhập cho giáo viên để thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT 2018;
- Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trung học cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay;
- Tăng cường tính linh hoạt, tinh thần chủ động của các trường trung học cơ sở, đáp ứng việc đổi mới Chương trình, sách giáo khoa hiện nay.
Thực tế hiện nay khi chưa có văn bản hướng dẫn hoặc sửa đổi Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong từng lĩnh vực cụ thể theo quy định theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP, phần lớn các trường trung học cơ sở công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nước ta đang thực hiện tự chủ nói chung và tự chủ tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP kết hợp với Nghị định 16/2015/NĐ-CP. Nghị định 16/2015/NĐ-CP đã thể hiện rõ mục tiêu đổi mới toàn diện các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.
Ngoài 4 mức độ tự chủ cụ thể đã được nêu trong tài liệu đọc 1, tất cả các trường trung học cơ sở công lập được tự chủ về:
- Chi tiền lương và thu nhập tăng thêm;
- Trích lập các quỹ;
- Tự chủ trong giao dịch tài chính;
- Vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp.
Việc thực hiện tự chủ trong chi tiền lương và thu nhập tăng thêm; trích lập các quỹ; tự chủ trong giao dịch tài chính và vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp đối với các trường trung học cơ sở công lập thực hiện theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP.
2.2.2. Mục tiêu quản trị tài chính trường trung học cơ sở hướng tới nâng cao kết quả giáo dục học sinh
Mục tiêu quản trị tài chính trường trung học cơ sở theo hướng tự chủ là:
- Trao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho trường trung học cơ sở hướng đến việc tổ chức công việc, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng đội ngũ cán bộ, giáo viên và nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ được giao; phát huy tính sáng tạo, năng động, phát huy mọi khả năng của nhà trường để cung cấp dịch vụ với chất lượng cao cho xã hội; tăng nguồn thu; nâng cao thu nhập cho đội ngũ giáo viên; nhằm từng bước nâng cao kết quả dạy và học, xây dựng “thương hiệu riêng” cho đơn vị mình;
- Nâng cao năng lực của đội ngũ CBQL và GV, tăng cường CSVC, KT-CN cho nhà trường góp phần nâng cao kết quả giáo dục học sinh;
- Cải tiến và giám sát chặt chẽ hoạt động quản trị tài chính của nhà trường bao gồm: xây dựng kế hoạch tài chính; quản lý thu – chi; báo cáo tài chính; kiểm tra tài chính; công khai minh bạch tài chính nhà trường…;
- Thực hiện chủ trương xã hội hoá trong việc cung cấp dịch vụ cho xã hội, huy động sự đóng góp của cộng đồng xã hội để phát triển nhà trường, từng bước giảm dần bao cấp từ ngân sách nhà nước;
- Thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đối với trường trung học cơ sở, Nhà nước vẫn quan tâm đầu tư để các hoạt động của nhà trường ngày càng phát triển tốt hơn; bảo đảm cho học sinh các đối tượng chính sách – xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được cung cấp các dịch vụ giáo dục tốt hơn;
- Phân biệt rõ cơ chế quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp với cơ chế quản lý nhà nước đối với cơ quan hành chính nhà nước.
2.2.3. Yêu cầu quản trị tài chính trường trung học cơ sở hướng tới nâng cao kết quả giáo dục học sinh
Quản trị hoạt động tài chính của nhà trường để thực hiện Chương trình GDPT 2018 phải bắt đầu từ các hoạt động dạy học, giáo dục ưu tiên, các hoạt động tăng cường năng lực nghề nghiệp cho giáo viên trong nhà trường và các yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị, công nghệ dạy học để thực hiện chương trình giáo dục 2018.
- Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục: thực hiện chương trình giáo dục theo hướng mở, tự chủ; xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường chủ động, theo điều kiện cụ thể của trường, địa phương, xây dựng phân phối chương trình dạy học môn học, hoạt động giáo dục; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, thực tiễn để phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; thực hiện dạy học 2 buổi/ ngày; dạy học tự chọn; hoạt động giáo dục sau giờ học.
- Quản trị nhân sự: Đề xuất bổ sung giáo viên/hợp đồng GV theo yêu cầu thực hiện CTGDPT 2018, tổ chức các hoạt động phát triển năng lực nghề nghiệp thường xuyên, liên tục, tại nhà trường, cụm trường, tạo đông lực cho GV để thực hiện đổi mới
- Quản trị CSVC và TB-CN: ưu tiên nguồn lực cho CSVC, TB-CN phục vụ triển khai chương trình GDPT 2018: Sắp xếp, bổ sung phòng học đảm bảo cho dạy học, bổ sung sách giáo khoa, TB-CN theo qui định về thiết bị dạy học tối thiểu, đáp ứng triển khai giáo dục theo hướng phân hóa, tích hợp, trải nghiệm gắn với thực tiễn, ứng dụng công nghệ mới trong dạy học, giáo dục.
Điều kiện, nội dung, yêu cầu để trường trung học cơ sở vận dụng cơ chế tài chính như sau:
Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ), khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Hoạt động dịch vụ sự nghiệp công có điều kiện xã hội hóa cao, Nhà nước không bao cấp;
- Giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí (bao gồm cả trích khấu hao tài sản cố định);
- Được Nhà nước xác định giá trị tài sản và giao vốn cho đơn vị quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
- Hạch toán kế toán theo quy định của các chuẩn mực kế toán áp dụng cho doanh nghiệp.
2.2.4. Nhiệm vụ quản trị tài chính trường trung học cơ sở hướng tới nâng cao kết quả giáo dục học sinh
Từ những nội dung cơ bản của hoạt động quản trị tài chính trường trung học cơ sở, chúng ta có thể khái quát các nhiệm vụ quản trị tài chính trường trung học cơ sở trong thực hiện Chương trình GDPT 2018 hướng tới nâng cao kết quả giáo dục học sinh như sau:
- Tổ chức thực hiện việc xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp với kế hoạch giáo dục, kế hoạch nâng cao năng lực nghề nghiệp của CBQL, giáo viên; kế hoạch phát triển CSVC, TB-CN và điều kiện thực ties của nhà trường, của địa phương;
- Điều chỉnh, bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ, nhất là những hoạt động phát sinh khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 và những vấn đề liên quan đến thu giá dịch vụ đối với học sinh học bán trú;
- Quản lý thu – chi các nguồn trong và ngoài ngân sách theo đúng Luật ngân sách Nhà nước, đảm bảo nguyên tắc thiết thực, hiệu quả hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường;
- Thực hiện nghiêm túc, đúng các quy định về chế độ báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán theo những quy định hiện hành;
- Định kỳ tổ chức công tác kiểm tra tài chính nội bộ; làm tốt công tác kiểm toán theo quy định của pháp luật để khắc phục những thiếu sót, sơ hở trong hoạt động quản trị tài chính hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường;
- Thực hiện công khai, minh bạch tài chính công khai, dân chủ, đúng quy định.
Tự chủ và trách nhiệm giải trình về tài chính trường trung học cơ sở hướng tới nâng cao kết quả giáo dục học sinh
Tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho trường trung học cơ sở là đề cao hơn vai trò ra quyết định của nhà trường gắn liền với các hệ thống thông tin về trách nhiệm giải trình. Mức độ được giao quyền tự chủ và công khai, minh bạch thông tin liên kết mật thiết với hiệu quả phân cấp. Với cơ chế giao trách nhiệm quản lý trường học, quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của nhà trường đã làm gia tăng sự tham gia của nhân dân và cộng đồng với kết quả giáo dục nhằm nâng cao kết quả giáo dục học sinh.
Tự chủ và trách nhiệm giải trình là những yếu tố cơ bản thúc đẩy mỗi cá nhân giảng dạy và học tập trong nhà trường. Trên cơ sở đó, các trường xây dựng được hệ thống khen thưởng phù hợp, đúng đắn tạo điều kiện tốt hơn cho dạy và học.
Giúp cho cha mẹ học sinh dần trở thành khách hàng của nhà trường và tham gia vào quản lý giáo dục ở cấp độ trường học trung học cơ sở.
Tự chủ và trách nhiệm giải trình khuyến khích xã hội trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh và chất lượng giáo dục của giáo viên. Đề cao vai trò của trường học trong trách nhiệm với cộng đồng và với các bên có liên quan về tài chính nhà trường, là điều kiện cơ bản để cha mẹ học sinh và xã hội cùng phải có trách nhiệm với nhà trường.
Trách nhiệm giải trình bao gồm hai yếu tố: Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tài chính nhà trường và giải đáp thắc mắc cho các bên liên quan.
Chính quyền phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng thẩm quyền, các nguồn lực công và giải trình kết quả thu được thông qua ý kiến phản hồi của người sử dụng dịch vụ và của mọi người dân. Tăng cường trách nhiệm giải trình với bên ngoài là việc cần thiết trong bối cảnh cần tăng cường các biện pháp kiểm soát và đối trọng mới để bảo đảm việc tiếp cận và chất lượng của dịch vụ công không bị giảm sút.
Mục tiêu thực hiện quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình trong quản trị tài chính trường trung học cơ sở là: Trao quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình cho nhà trường trong việc tổ chức hoàn thành nhiệm vụ được giao nhằm phát huy mọi khả năng của nhà trường để cung cấp dịch vụ với chất lượng cao cho xã hội. Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong việc cung cấp dịch vụ giáo dục. Phát huy cao nhất vao trò của toàn xã hội trong việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khi thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Mối liên hệ giữa tự chủ, trách nhiệm giải trình được thể hiện ở mô hình sau:

Điều kiện để trường trung học cơ sở được tự chủ chính là các điều kiện đã được đúc kết từ mô hình (hình 1) nói trên, đó là: (1) Có một Hội đồng trường đủ năng lực và quyền hạn; (2) Đã được đánh giá, kiểm định và công nhận về chất lượng; (3) Thực hiện trách nhiệm giải trình đầy đủ, công khai, minh bạch và trung thực.
Mô hình quản lý này đòi hỏi sự phân quyền, sự tham gia của số đông vào quá trình ra quyết định, trao quyền tự chủ cho nhà trường đối với vấn đề quản lý ngân sách, nhân sự và chương trình, đặc biệt chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ. Đây là cơ chế quản lý nhà trường linh hoạt dựa trên quy luật cung – cầu trong giáo dục nhằm đáp ứng tốt nhất những nhu cầu về giáo dục.
Tùy theo quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước các cấp với nhà trường trong việc trao quyền tự chủ mà các hệ thống giải trình có những yêu cầu thực hiện cụ thể riêng: Trách nhiệm giải trình về việc đảm bảo chất lượng như cam kết; trách nhiệm trách nhiệm sử dụng kinh phí đầu tư của Nhà nước, đóng góp của người học và của xã hội. Trường trung học cơ sở phải áp dụng mức thu giá dịch vụ tương xứng với chất lượng đào tạo. Thông qua cơ chế công khai, người học cũng như các bậc phụ huynh, nhà quản lý có điều kiện giám sát việc thực hiện các cam kết của các trường về mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo và các nguồn lực đảm bảo chất lượng đào tạo. Nếu một trường đưa sai thông tin công khai hay không thực hiện đúng cam kết đã công khai thì sẽ nhanh chóng mất uy tín thương hiệu đối với học sinh và xã hội, đánh mất niềm tin của người tuyển dụng lao động và các nhà đầu tư.
Đó cũng là trách nhiệm giải trình đối với chính nhà trường, trách nhiệm phát triển nhà trường một cách bền vững, giữ vững và nâng cao uy tín của nhà trường vì quyền lợi của tập thể đội ngũ cán bộ viên chức cũng như toàn thể học sinh. Trong cơ chế tự chủ, uy tín và sự phát triển của trường phụ thuộc một cách quyết định vào năng lực lãnh đạo, quản lý và chuyên môn của chính đội ngũ cán bộ từng trường; Nhà nước chỉ tạo cơ chế thông thoáng và giúp các trường trung học cơ sở thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.