CẢI TIẾN CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ

4.3.1. Thống nhất nhận thức và hành động của cán bộ, giáo viên trong cải tiến chất lượng giáo dục trường trung học cơ sở
Cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường phải có nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, sự cần thiết của cải tiến chất lượng giáo dục; từ đó có những việc làm cụ thể để cải tiến chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, việc thống nhất nhận thức và hành động sẽ giúp cho cán bộ, giáo viên nâng cao trách nhiệm, chủ động, tích cực tham gia các hoạt động theo kế hoạch cải tiến chất lượng đã xây dựng.
Để thống nhất nhận thức và hành động của cán bộ, giáo viên trong cải tiến chất lượng giáo dục trường trung học cơ sở, cần phải tiến hành các công việc sau đây:
– Nhà trường cần đa dạng hoá các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên về vai trò, trách nhiệm của mình đối với hoạt động cải tiến chất lượng giáo dục. Mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường phải xem hoạt động cải tiến chất lượng giáo dục vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là nhiệm vụ chuyên môn. Khi xem hoạt động chất lượng giáo dục là nhiệm vụ chính trị, đòi hỏi cán bộ, giáo viên, nhân viên phải vào cuộc, sẵn sàng tham gia các hoạt động cải tiến chất lượng giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Khi xem hoạt động cải tiến chất lượng giáo dục là nhiệm vụ chuyên môn đòi hỏi cán bộ, giáo viên, nhân viên phải thường xuyên trau dồi chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động của cá nhân trong từng công việc được giao.
– Nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên về kiểm định chất lượng giáo dục trường trung học cơ sở và việc thực hiện cải tiến chất lượng giáo dục sau đánh giá ngoài để mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên hiểu biết về kiểm định chất lượng giáo dục và thực hiện các biện pháp cải tiến chất lượng giáo dục của nhà trường sau tự đánh giá và đánh giá ngoài.
4.3.2. Triển khai đồng bộ các biện pháp để cải tiến chất lượng giáo dục trường trung học cơ cở
Để cải tiến chất lượng giáo dục trường trung học cơ sở, cần phải triển khai đồng bộ các biện pháp sau đây:
– Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và ban hành quy chế, quy định về hoạt động cải tiến chất lượng giáo dục của nhà trường, trong đó xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các bộ phận, đơn vị, cá nhân (cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên);
– Xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục dựa trên kết quả tự đánh giá, đánh giá ngoài và các khuyến nghị của cơ quan quản lý giáo dục các cấp;
– Tổ chức cải tiến chất lượng giáo dục trường trung học cơ sở theo các hướng: Khắc phục những điểm yếu đã được chỉ ra ở những tiêu chí/tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; nâng cao hiệu quả thực hiện các tiêu chí/tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đạt kiểm định chất lượng giáo dục ở mức cao hơn.
– Định kì sơ kết, tổng kết hoạt động cải tiến chất lượng giáo dục để, chuẩn bị thực hiện hoạt động này trong các giai đoạn tiếp theo…
4.3.3. Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong trường trung học cơ sở hướng tới các giá trị cốt lõi đã xác định
Văn hoá nhà trường vừa là chất xúc tác, vừa là điều kiện để các yếu tố tâm lí và xã hội phát huy tác dụng, thúc đẩy quá trình nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó, cần phải xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong trường trung học cơ sở để đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho việc nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, cải tiến chất lượng giáo dục nói riêng.
Để xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong trường trung học cơ sở cần thực hiện tốt các công việc sau:
– Giúp cho mọi thành viên nắm được sứ mạng, tầm nhìn và những giá trị cốt lõi của nhà trường; xây dựng được niềm tin của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và các bên liên quan về sự phát triển bền vững của nhà trường;
– Xây dựng được các chuẩn mực văn hoá của nhà trường, trong đó có những chuẩn mực của các mối quan hệ hợp tác bên trong và bên ngoài nhà trường để hỗ trợ các điều kiện tốt nhất cho hoạt động cải tiến chất lượng giáo dục;
– Đảm bảo sự công bằng, chính xác, khách quan trong mọi hoạt động của nhà trường nói chung và hoạt động cải tiến chất lượng giáo dục nói riêng; tạo động lực cho cán bộ, giáo viên, nhân viên thi đua cải tiến chất lượng giáo dục; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo trong thực nhiệm vụ của cán bộ, giáo viên, nhân viên; nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động cải tiến chất lượng giáo dục;
– Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh của nhà trường còn đòi hỏi trong môi trường đó, những việc góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường cần được cỗ vũ, khuyến khích; những việc ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của nhà trường cần bị phê phán, lên án.
4.3.4. Đảm bảo các điều kiện cải tiến chất lượng giáo dục trường trung học cơ sở
a. Xây dựng được văn hóa chất lượng của trường trung học cơ sở
Văn hoá chất lượng là một hệ thống các giá trị của nhà trường để tạo ra môi trường thuận lợi cho việc thiết lập và cải tiến liên tục chất lượng giáo dục. Do đó, đây là một trong những điều kiện quan trọng cho việc cải tiến chất lượng giáo dục ở trường trung học cơ sở.
Văn hoá chất lượng của nhà trường trung học cơ sở được hình thành khi mọi thành viên (từ người học đến cán bộ quản lí), mọi tổ chức (từ các tổ/nhóm chuyên môn đến các tổ chức đoàn thể) đều biết được công việc của mình cần phải như thế nào để có chất lượng, để đảm bảo các tiêu chí/tiêu chuẩn chất lượng. Xây dựng văn hoá chất lượng thực chất là thiết lập một hệ thống môi trường cho các hoạt động có chất lượng và không ngừng cải tiến chất lượng của nhà trường. Để xây dựng văn hoá chất lượng, trường trung học cơ sở cần tập trung xây dựng các yếu tố sau:
– Môi trường học thuật: là môi trường trong đó diễn ra hoạt động học thuật, bao gồm các hoạt động nghiên cứu, trao đổi về giảng dạy và học tập. Để làm được điều này, trường trung học cơ sở phải được quyền tự chủ cao, tự quyết định các hoạt động học thuật. Nội dung xây dựng môi trường học thuật bao gồm:
+ Xây dựng chiến lược, kế hoạch và đầu tư thích đáng cho các hoạt động học thuật phù hợp với sứ mệnh, nguồn lực và định hướng phát triển của trường trung học cơ sở;
+ Thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội với hoạt động học thuật;
+ Khuyến khích hoạt động hợp tác, chia sẻ học thuật giữa các thành viên trong và ngoài nhà trường;
+ Thực hiện liên tục bồi dưỡng, phát triển học thuật cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của nhà trường;
+ Thực hiện hoạt động trao đổi học thuật theo những quan điểm giáo dục tiên tiến đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục;
– Môi trường xã hội: là môi trường trong đó xác lập các mối quan hệ xã hội, bao gồm: tổ chức và những luật lệ, thể chế, quy định, cam kết, định hướng cho các hoạt động và hành vi của nhà trường và các thành viên của nó theo quy định, tạo nên sức mạnh tập thể và bổ sung nguồn lực cho sự phát triển để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục của trường trung học cơ sở. Nội dung xây dựng môi trường xã hội bao gồm:
+ Xây dựng tầm nhìn, sứ mạng và mục tiêu phù hợp với nguồn lực và vị thế của trường trung học cơ sở;
+ Thiết lập cơ cấu tổ chức và phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ phận, cá nhân trong nhà trường;
+ Xác lập cơ chế điều hành, phối hợp hoạt động và đánh giá hiệu quả của các bộ phận, cá nhân trong nhà trường;
– Môi trường nhân văn: là môi trường trong đó quyền và nghĩa vụ của các thành viên và các bên liên quan với trường trung học cơ sở được xác lập tường minh và tuân thủ thực hiện đem lại nguồn lực để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Xây dựng mội trường nhân văn trong trường trung học cơ sở bao gồm:
+ Thực hiện quyền dân chủ toàn diện đối với cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên và học sinh;
+ Thực hiện đầy đủ các quyền lợi cơ bản theo các chế độ chính sách của nhà nước đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh;
+ Xây dựng cơ chế, chính sách và biện pháp để cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với nhà trường và xã hội.
– Môi trường văn hoá: là môi trường trong đó xác lập hệ thống các chuẩn mực, giá trị văn hoá, niềm tin, quy tắc ứng xử được xem là tốt đẹp và được các thành viên trong nhà trường đồng thuận, thực hiện tạo nên sức mạnh cho các hoạt động đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục.
Xây dựng môi trường văn hoá cần tập trung vào các nội dung sau:
+ Xây dựng các quy tắc ứng xử tôn trọng, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên vì sự nghiệp và uy tín của nhà trường;
+ Thực hiện đạo đức, lối sống lành mạnh, lưu giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc;
+ Thực hiện các hoạt động giao lưu, hợp tác, hội nhập với cộng đồng trong và ngoài nước.
– Môi trường tự nhiên: là môi trường cảnh quan, cơ sở vật chất góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường.
Xây dựng môi trường tự nhiên ở trường trung học cơ sở tập trung vào các nội dung sau:
+ Kiến trúc, cảnh quan nhà trường xanh, sạch, đẹp, hài hoà, hợp lí;
+ Cơ sở vật chất, tài chính đảm bảo; phòng học, thiết bị dạy học, thực hành đầy đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng;
+ Thư viện phục vụ tốt cho hoạt động dạy học; rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu cho học sinh; phát triển văn hóa đọc trong nhà trường;
+ Đảm bảo an ninh trật tự, đời sống văn hoá, tinh thần cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của nhà trường;
Để xây dựng được văn hoá chất lượng trường trung học cơ sở cần quy định rõ trách nhiệm cho từng thành viên trong nhà trường. Cụ thể:
– Cán bộ quản lí, giữ vai trò lãnh đạo, tổ chức hoạt động xây dựng văn hoá chất lượng trong nhà trường.
+ Kế hoạch hóa hoạt động xây dựng văn hoá chất lượng trong nhà trường;
+ Tổ chức, chỉ đạo các hoạt động xây dựng văn hoá chất lượng trong nhà trường;
+ Kiểm tra, đánh giá các hoạt động xây dựng văn hoá chất lượng trong nhà trường;
+ Bố trí các nguồn lực để xây dựng văn hoá chất lượng trong nhà trường…
– Cán bộ, giáo viên, nhân viên: là những người trực tiếp xây dựng văn hoá chất lượng. Cụ thể:
+ Nhận thức rõ trách nhiệm cá nhân trong quá trình xây dựng văn hoá chất lượng của nhà trường;
+ Luôn luôn suy nghĩ cải tiến cách thức làm việc của bản thân để đạt hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.
– Học sinh: có trách nhiệm và có quyền được tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển văn hoá chất lượng của trường trung học cơ sở. Hình thức và mức độ tham gia của học sinh phụ thuộc vào đặc điểm và điều kiện của từng trường.
b. Hoàn thiện hệ thống quản trị chất lượng giáo dục bên trong trường trung học cơ sở
Trong bối cảnh hiện nay, trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới quản trị trong nhà trường là xu thế phát triển tất yếu. Đây cũng là một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Hệ thống quản trị chất lượng giáo dục bên trong trường trung học cơ sở bao gồm chiến lược và các chính sách về chất lượng giáo dục của nhà trường; ở việc thực hiện các chức năng: xây dựng kế hoạch đảm bảo chất lượng giáo dục, tổ chức chất lượng giáo dục, chỉ đạo chất lượng giáo dục và giám sát, kiểm định chất lượng giáo dục. Hệ thống quản trị chất lượng giáo dục bên trong trường trung học cơ sở còn bao gồm bộ phận làm công tác đảm bảo chất lượng giáo dục trong nhà trường (do hiệu trưởng quyết định).
Từ đó, hoàn thiện hệ thống quản trị chất lượng giáo dục bên trong trường trung học cơ sở, đòi hỏi nhà trường phải xây dựng và hoàn thiện chiến lược chất lượng mà cốt lõi là xác định tầm nhìn chất lượng của nhà trường trong 5 – 10 năm tới (ví dụ, đạt kiểm định chất lượng giáo dục mức nào? đứng vị trí nào trong bảng xếp hạng các trường trung học cơ sở cấp tỉnh, cả nước và khu vực?).
Đồng thời, trường trung học cơ sở phải đề ra được các chính sách về chất lượng giáo dục trong tất cả các hoạt động của nhà trường: từ đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo định hướng phát triển năng lực đến đổi mới quản lý nhà trường, đáp ứng yêu cầu tự chủ và trách nhiệm giải trình về các hoạt động của nhà trường, trong đó có hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục… Bên cạnh đó, trường trung học cơ sở còn phải nâng cao hiệu quả thực hiện các các chức năng xây dựng kế hoạch đảm bảo chất lượng giáo dục, tổ chức chất lượng giáo dục, chỉ đạo chất lượng giáo dục và giám sát, kiểm định chất lượng giáo dục. Tuy ở trường trung học cơ sở không có bộ phận đảm bảo chất lượng giáo dục độc lập nhưng hiệu trưởng cũng cần cử một số cán bộ, giáo viên, nhân viên đảm nhiệm công tác này.
c. Duy trì hệ thống đảm bảo chất lượng của trường trung học cơ sở hoạt động hiệu quả
Hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục trường trung học cơ sở được xây dựng và phát triển nhằm hướng đến mục tiêu liên tục đánh giá, đo lường, kiểm soát, duy trì và cải thiện chất lượng mọi hoạt động của nhà trường.
Hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục của trường trung học cơ sở hoạt động hiệu quả khi thực hiện tốt các nhiệm vụ:
– Thông tin đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về tầm quan trọng của công tác đảm bảo chất lượng giáo dục trong bối cảnh hiện nay và kế hoạch, chiến lược về công tác đảm bảo chất lượng giáo dục của nhà trường;
– Xây dựng kế hoạch, chiến lược đảm bảo chất lượng giáo dục, điều phối, giám sát, tư vấn, hỗ trợ và thúc đẩy triển khai công tác đảm bảo chất lượng giáo dục;
– Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho các đơn vị trong nhà trường về công tác đảm bảo chất lượng giáo dục;
– Xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục bên trong của nhà trường…
d. Thực hiện hiệu quả kế hoạch cải tiến chất lượng phù hợp và khả thi
Tự đánh giá cho phép xác định các “điểm nghẽn” trong hoạt động của nhà trường. Do đó, sau khi thực hiện tự đánh giá, nhà trường phải nghiên cứu xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục của nhà trường.
Trong quá trình thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục, cần lưu ý một số điểm sau:
– Thành lập bộ phận chỉ đạo cải tiến chất lượng giáo dục của nhà trường do hiệu trưởng làm trưởng ban; các phó hiệu trưởng làm phó trưởng ban; ủy viên là các tổ trưởng chuyên môn, trưởng các tổ chức đoàn thể trong trường trung học cơ sở;
– Có sự phân công, phân nhiệm cụ thể đối với từng bộ phận, tổ chức, cá nhân của nhà trường trong thực hiện các hoạt động cải tiến chất lượng giáo dục;
– Xây dựng khung thời gian cùng với sản phẩm cần đạt cho các hoạt động cải tiến chất lượng giáo dục;
– Gắn các hoạt động cải tiến chất lượng giáo dục với các hoạt động chuyên môn – nghiệp vụ, hoạt động phục vụ của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; từ đó làm cho hoạt động cải tiến chất lượng giáo dục trở thành hoạt động thường xuyên của nhà trường; của mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên;
– Định kì hàng tháng (hoặc hàng quý) phải có sự rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm về hoạt động cải tiến chất lượng giáo dục của nhà trường; trên cơ sở đó có sự bổ sung, điều chỉnh kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục cho phù hợp hơn, khả thi hơn.
– Có chính sách khuyến khích những cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có nhiều thành tích trong các hoạt động cải tiến chất lượng giáo dục; đồng thời phê bình, nhắc nhở những cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên không hoàn thành nhiệm vụ trong các hoạt động cải tiến chất lượng giáo dục…
e. Huy động các nguồn lực phục vụ cải tiến liên tục chất lượng giáo dục của nhà trường trung học cơ sở
Bất cứ hoạt động nào của nhà trường đều cần đến nguồn lực, không có nguồn lực thì hoạt động không thể thực hiện được. Vì thế, đảm bảo các nguồn lực là một trong những điều kiện quan trọng để cải tiến chất lượng giáo dục trường trung học cơ sở.
Các nguồn lực để thực hiện cải tiến chất lượng giáo dục trường trung học cơ sở bao gồm: nguồn lực con người, cơ sở vật chất và tài chính. Các nguồn lực này nhiều khi không có sẵn mà cần phải huy động từ các bên liên quan.
Vì thế, nhà trường cần phải có kế hoạch huy động các nguồn lực (nguồn lực nội tại của nhà trường, nguồn lực bên ngoài nhà trường). Sau khi đã có nguồn lực cần phân bố hợp lý nguồn lực cho các hoạt động cải tiến chất lượng giáo dục của trường trung học cơ sở.