Hoạt động 4 – Phân tích
a) Mô tả: Tìm hiểu một số yêu cầu đối với việc ứng dụng CNTT, học liệu số và thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục.
b) Yêu cầu cần đạt: Trình bày được một số yêu cầu đặt ra đối với việc ứng dụng CNTT, học liệu số và thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục.
c) Nhiệm vụ của người học:
Xem tài liệu text nội dung 1.4.
d) Đánh giá hoạt động:
– Giám sát: mức độ hoàn thành nhiệm vụ, có câu hỏi chuyển tiếp để xác nhận.
– Phản hồi: mức độ hoàn thành theo yêu cầu của hoạt động.
– Đánh giá: đạt 100% các công việc được giao để thực hiện hoạt động tiếp theo.
e) Tài liệu tham khảo:
- Luật số 24/2018/QH14 ngày 12/6/2018
- Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
- Luật số 42/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 61/2010/QH12 và Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12
- Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
- Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan
1.4. Một số yêu cầu đặt ra trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, học liệu số và thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục
Việc ứng dụng CNTT, học liệu số và thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục tuân thủ các cơ sở pháp lí và cả đạo đức của người dùng, nhất là:
1.4.1. Đảm bảo tính khoa học
Để có thể ứng dụng CNTT, học liệu số và thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục điều thiết yếu là đảm bảo các định hướng ứng dụng theo yêu cầu phù hợp giữa mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức dạy học, giáo dục, kiểm tra, đánh giá với đặc trưng về CNTT, học liệu số và thiết bị công nghệ định hướng ứng dụng trong dạy học, giáo dục. Nói khác đi, tính khoa học được hiểu cả hai bình diện: khoa học liên quan đến học liệu số, thiết bị công nghệ và CNTT cũng như khoa học khi đặt ở yêu cầu ứng dụng trong dạy học, giáo dục.
Liên quan đến tính khoa học, một số yêu cầu cơ bản cần đảm bảo:
– Ứng dụng CNTT, học liệu số và thiết bị công nghệ phải được nghiên cứu, dựa trên quan điểm, lí thuyết khoa học, phù hợp với các mô hình cụ thể. Việc ứng dụng này phải từng bước đảm bảo tính đồng bộ, nâng cao hiệu quả sử dụng CNTT, học liệu số và thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục của nhà trường nói riêng, hướng đến hiệu quả của dạy học, giáo dục nói chung.
– Đảm bảo tính chính xác, đầy đủ về yêu cầu cơ bản, nguyên tắc khi ứng dụng, sử dụng học liệu số và tài nguyên học tập, thiết bị công nghệ và CNTT.
– Đảm bảo logic, hệ thống và khách quan giữa nội dung dạy học với học liệu số, thiết bị công nghệ và CNTT khi triển khai ứng dụng. Cụ thể học liệu số và tài nguyên học tập, thiết bị công nghệ và CNTT phải đảm bảo các yêu cầu kĩ thuật có liên quan đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức dạy học, giáo dục, kiểm tra, đánh giá nói cách khác là phải tuân thủ các định hướng về mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức dạy học, giáo dục, kiểm tra, đánh giá nhất là cách thức hoạt động của HS, sản phẩm của hoạt động học khi ứng dụng thiết bị công nghệ, học liệu số và CNTT.
– Việc ứng dụng thiết bị công nghệ, học liệu số và CNTT dù ở mức nào hay hình thức nào cũng phải tuân thủ bản chất, các nguyên tắc dạy học, giáo dục, nhất là kĩ thuật tổ chức hoạt động mà người học là trung tâm. Vì vậy, thiết bị công nghệ, học liệu số và CNTT phải tuân thủ các yêu cầu tối thiểu và cơ bản mang tính khoa học của việc tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục.
– Việc ứng dụng CNTT, học liệu số và thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục cần chú ý đến tính nhất quán trong nội bộ cơ sở giáo dục, các đơn vị liên quan, liên ngành ngang và dọc có chú ý đáp ứng với nhu cầu của địa phương và cơ sở giáo dục như một yêu cầu khoa học đặt trong hệ thống và tầm nhìn để đảm bảo sự phát triển đồng bộ, có điểm đến.
1.4.2. Đảm bảo tính sư phạm
Tính sư phạm của việc ứng dụng CNTT, học liệu số và thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục có liên quan đến tính khoa học ở góc độ ứng dụng đã đề cập nhưng được phân tích sâu khi đặt vào hoạt động sư phạm:
– Đảm bảo phù hợp với quan điểm sư phạm, quan điểm về tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục. Trong đó, cần đảm bảo việc ứng dụng CNTT đáp ứng được mục tiêu, nội dung của hoạt động dạy học, giáo dục; phù hợp với hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục. Bên cạnh đó, cần tính đến việc phù hợp với điều kiện, môi trường tổ chức dạy học, giáo dục sao cho kết quả cuối cùng là đạt được mục tiêu của chương trình giáo dục, xa hơn là mục tiêu giáo dục theo quy định.
– Đảm bảo tương thích với các đặc điểm của quá trình dạy học, giáo dục nhất là yêu cầu của dạy học phát triển phẩm chất, năng lực. Cụ thể, tuân thủ yêu cầu HS là trung tâm, thỏa mãn các lưu ý: không HS nào bị bỏ lại phía sau, đánh giá vì người học, đánh giá chú trọng sự tiến bộ của người học, tôn trọng NL, PC hiện có của người học và phát triển một cách tích cực, hiệu quả, …
– Đảm bảo tuân thủ tính logic của hoạt động tổ chức dạy học, giáo dục nhất là các pha của hoạt động dạy học, các bước và yêu cầu khi xây dựng và triển khai kế hoạch bài dạy, kế hoạch giáo dục, … Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT, học liệu số và thiết bị công nghệ không làm mất đi, giảm đi các yêu cầu về sư phạm trong nhân cách và nhất là năng lực nghề nghiệp của người GV dù có triển khai hình thức dạy học, giáo dục nào. Những yêu cầu sư phạm về đạo đức nghề nghiệp, kĩ năng dạy học, kĩ năng giáo dục và các yêu cầu khác có liên quan đến nhiệm vụ phát triển năng lực và phẩm chất HS của người GV cần đảm bảo thực thi một cách trọn vẹn.
– Việc ứng dụng CNTT, học liệu số và thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục đảm bảo hiệu quả sư phạm nhất là hiệu quả đạt được mục tiêu, yêu cầu cần đạt hay chuẩn đầu ra nhưng cần được xem xét trong mối quan hệ với kinh phí, thời gian, công sức đầu tư trên bình diện hiệu suất tổng thể.
1.4.3. Đảm bảo tính pháp lí
Việc ứng dụng CNTT, học liệu số và thiết bị công nghệ phải đảm bảo tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn của Nhà nước, cụ thể:
– Đảm bảo các hướng dẫn cơ bản, quy định về ứng dụng CNTT trong dạy học, giáo dục của Bộ GDĐT đã ban hành: Quy định mô hình ứng dụng CNTT trong trường phổ thông; Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ CNTT hàng năm; Quy định về quản lí, vận hành và sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, GDPT và giáo dục thường xuyên, … trong đó cần chú trọng các nội dung chính: xác định được mục tiêu, nội dung, mức độ ứng dụng CNTT trong các hoạt động giáo dục phù hợp với chủ trương chung và điều kiện thực tế, mang lại hiệu quả đầu tư và ứng dụng CNTT một cách thiết thực; mô hình ứng dụng CNTT gồm hai mức: cơ bản và nâng cao với các nội dung cụ thể có liên quan.
– Đảm bảo các quy định về quản lí và tổ chức dạy học, cụ thể là hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá, học liệu và quản lí, lưu trữ hồ sơ dạy học. GV không thể tự quyết định sử dụng hình thức dạy học trực tuyến hỗ trợ/thay thế dạy học trực tiếp mà người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định. Thực hiện nhiệm vụ xây dựng, sử dụng kho học liệu số hóa toàn ngành cụ thể là ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung và tích cực thực hiện theo định hướng của đề án tăng cường ứng dụng CNTT và biến nó thành động lực đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá trong giáo dục, đào tạo. Học liệu dạy học phải đảm bảo tính pháp lí, chính trị, được tổ chuyên môn thông qua và người đứng đầu cơ sở giáo dục phê duyệt.
– Tuân thủ Luật An ninh mạng, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Cụ thể: Đảm bảo an toàn an ninh thông tin, nhân lực sử dụng CNTT, quản lí và chỉ đạo điều hành; an toàn thông tin với các hệ thống CNTT (phần cứng, phần mềm, website, …). Thường xuyên rà soát, khắc phục các nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin khi dùng phần mềm trực tuyến và thiết bị cá nhân. Cần tuân thủ các quy tắc như tôn trọng, tuân thủ pháp luật: Tuân thủ luật pháp Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; quy tắc lành mạnh: Hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thông tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; quy tắc an toàn, bảo mật thông tin: Tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin; quy tắc trách nhiệm: Chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, phối hợp với cơ quan chức năng để xử lí hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật. Các yêu cầu cần đảm bảo: nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng kí với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội; chia sẻ thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, không sử dụng ngôn từ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác, tung tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép, … gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội; khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước-con người, văn hóa Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, …
– Tuân thủ Công ước Berne năm 1886, Công ước Rome năm 1961, Luật Sở hữu trí tuệ và cần lưu ý đến những điều khoản trong Luật Hình sự và các văn bản pháp lí liên quan quyền tác giả. Các quy định về bản quyền, quyền sử dụng hợp pháp trong dạy học, giáo dục cần được đảm bảo. Theo đó, quyền tác giả là hiển nhiên, không cần công bố hay đăng kí, được bảo hộ suốt đời của tác giả và 50 năm sau khi tác giả qua đời. Số lượng máy tính, thời gian sử dụng phần mềm, chương trình máy tính cụ thể được quy định trong giấy phép sử dụng phần mềm.
Vi phạm bản quyền là việc nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt qua mạng truyền thông và các phương tiện kĩ thuật hoặc sử dụng chúng mà không trả phí hoặc không có sự đồng ý của chủ phần mềm. Không nhằm mục đích thương mại, GV được phép trích dẫn hợp lí tác phẩm với điều kiện không làm sai ý tác giả, sử dụng hình ảnh đã được công bố để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy, biểu diễn tác phẩm sân khấu trong sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kì hình thức nào. Tuy nhiên, việc tự ý sao chép phần mềm, chương trình tin học là vi phạm bản quyền, không hợp pháp, dù nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy.
1.4.4. Đảm bảo tính thực tiễn
Việc ứng dụng CNTT, học liệu số và thiết bị công nghệ cần phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, hạ tầng CNTT, truyền thông cũng như năng lực đội ngũ của nhà trường và bối cảnh địa phương, các điều kiện có liên quan, hạn chế về thiết bị, công nghệ, đường truyền và thực tiễn dạy học, giáo dục và năng lực của HS và dư luận xã hội, … từ thực tiễn bởi đây là cơ sở để kiểm soát các tác động ngược cũng như hướng đến sự đồng thuận từ các nguồn lực. Cụ thể, tính thực tiễn đòi hỏi khi ứng dụng CNTT, học liệu số và thiết bị công nghệ cần thực hiện:
– Dựa trên kết quả đánh giá, khảo sát về điều kiện, kinh nghiệm sử dụng học liệu số, thiết bị công nghệ, CNTT của cơ sở, đội ngũ với các yêu cầu có liên quan về cơ sở hạ tầng, vật chất, trang thiết bị công nghệ, đường truyền, …
– Dựa trên các dữ liệu và các kết quả dự báo về năng lực ứng dụng CNTT, học liệu số và thiết bị công nghệ của GV, cán bộ quản lí và nhất là thói quen, kĩ năng, ý tưởng sư phạm và định hướng đổi mới trong dạy học, giáo dục. Đặc biệt, những dữ liệu thực tiễn về điều kiện thiết bị công nghệ, phần mềm, … ở từng địa phương cần được xem xét để tránh việc yêu cầu cao theo hướng chủ quan, cảm tính.
– Dựa vào khả năng của HS, thái độ và các kĩ năng liên quan khi tham gia vào quá trình triển khai ứng dụng CNTT, học liệu số và thiết bị công nghệ của GV nhất là sự tương tác và phối hợp của HS và sự tự học, các thói quen tự học của HS cũng như hứng thú, nhu cầu của các em nhất là cần cẩn trọng khi sử dụng các hình thức dạy học có ứng dụng CNTT với HS tiểu học.
– Khéo léo khai thác, dựa trên đồng thuận của phụ huynh, dư luận xã hội về ứng dụng CNTT, học liệu số và thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục theo hướng vừa tuyên truyền, vừa chia sẻ và khuyến khích ứng dụng một cách tích cực.