Câu 2. Việc triển khai thực hiện Đề án còn những hạn chế, khuyết điểm nào? Nguyên nhân?
Trả lời:
– Những hạn chế, khuyết điểm:
+ Một số chỉ tiêu thành phần chưa đạt mục tiêu đề ra như: Tỷ lệ trường được bố trí đủ giáo viên theo quy định, tỷ lệ trường tiểu học được bố trí giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục; huy động học sinh lớp 3, 4, 5 ở các điểm trường lẻ về học tại điểm trung tâm, tỷ lệ học sinh lớp 3 được học ngoại ngữ theo chương trình mới; xây dựng đáp ứng nhu cầu phòng ở cho học sinh bán trú.
+ Công tác quán triệt, triển khai thực hiện Đề án của một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở còn chưa chủ động, hiệu quả chưa cao. Công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện ở một số nơi chưa thường xuyên, chặt chẽ.
+ Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại một số trường học còn thiếu, nhất là hệ thống các công trình phụ trợ phục vụ công tác nuôi dưỡng, sinh hoạt của học sinh bán trú; tỷ lệ học sinh bỏ học tại một số nơi còn cao.
+ Trình độ, năng lực của một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình dạy và học theo quy định; chất lượng giáo dục tại một số trường học chuyển biến chậm, thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của các trường vùng đặc biệt khó khăn.
– Nguyên nhân:
+ Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức sâu sắc, toàn diện về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn. Một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên chưa tích cực tự học, tự bồi dưỡng, nghiên cứu nâng cao trình độ; còn có cán bộ quản lý giáo dục thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; thiếu nguồn tuyển giáo viên một số môn học.
+ Đời sống của Nhân dân còn khó khăn, tập quán lạc hậu còn tồn tại ở một số đồng bào dân tộc thiểu số. Ngân sách của tỉnh còn khó khăn, việc đầu tư cho phát triển giáo dục của tỉnh phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách Trung ương, khả năng huy động xã hội hóa trong đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học còn hạn chế. Một số chế độ, chính sách đối với học sinh vùng khó khăn chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định.