Câu 4. Những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án giai đoạn 2021 – 2025 là gì?
Trả lời:
(1) Tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, các chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về phát triển giáo dục. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành đối với giáo dục vùng đặc biệt khó khăn.
Tập trung thực hiện toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án và Kết luận, nhất là các mục tiêu chưa đạt, khó đạt. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân trong việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong triển khai thực hiện.
(2) Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong tình hình mới.
Thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học phù hợp đối tượng học sinh vùng đặc biệt khó khăn, học sinh người dân tộc thiểu số theo Chương trình giáo dục mầm non và Chương trình giáo dục phổ thông mới; thực hiện hiệu quả việc dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non, tiểu học vùng dân tộc thiểu số; tổ chức tốt các hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm – thực hành cho trẻ mầm non; tăng cường tổ chức các hoạt động dạy học chính khóa, ngoại khóa gắn với kiến thức, kỹ năng thực tiễn, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; thực hiện nghiêm túc việc đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tổ chức tốt công tác nuôi dưỡng học sinh bán trú, nội trú góp phần tích cực vào việc huy động học sinh ra lớp và nâng cao tỷ lệ chuyên cần; duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 4 tuổi; tăng cường giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
(3) Tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.
Thực hiện quyết liệt, phù hợp và hiệu quả việc sắp xếp các cơ sở giáo dục theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục rà soát, sắp xếp bố trí đội ngũ giáo viên đảm bảo hợp lý giữa các trường, các cấp học, quan tâm tuyển dụng, đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo biên chế. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên vùng đặc biệt khó khăn.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, phát huy tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, gắn bó với sự nghiệp phát triển giáo dục vùng đặc biệt khó khăn.
(4) Huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên và học sinh.
Tăng cường ngân sách Nhà nước chi cho phát triển giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân hỗ trợ phát triển giáo dục vùng đặc biệt khó khăn. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường vùng đặc biệt khó khăn; xây dựng và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ sinh hoạt và các điều kiện hoạt động của các trường nội trú, bán trú.
Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành những chính sách của tỉnh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, nhất là chính sách đối với giáo viên, học sinh vùng đặc biệt khó khăn.
(5) Tăng cường công tác thanh tra việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách giáo dục và kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm, hành vi tiêu cực trong thực hiện chế độ chính sách, trong tổ chức thi, kiểm tra đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo.