
Định hướng đánh giá kết quả giáo dục trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trình bày về định hướng đánh giá kết quả giáo dục theo một số điểm chính như sau:
Mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của HS để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng HS và nâng cao chất lượng giáo dục.
Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được qui định trong chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
Phạm vi đánh giá bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, môn học và chuyên đề học tập lựa chọn và môn học tự chọn.
Đối tượng đánh giá là sản phẩm và quá trình học tập, rèn luyện của HS.
Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá thường xuyên, định kì ở cơ sở giáo dục, các kì đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương và các kì đánh giá quốc tế. Cùng với kết quả các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học và chuyên đề học tập lựa chọn, kết quả các môn học tự chọn được sử dụng cho đánh giá kết quả học tập chung của HS trong từng năm học và trong cả quá trình học tập.
Việc đánh giá thường xuyên do GV phụ trách môn học tổ chức, kết hợp đánh giá của GV, của cha mẹ HS, của bản thân HS được đánh giá và của các HS khác.
Việc đánh giá định kì do cơ sở giáo dục tổ chức để phục vụ công tác quản lí các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng ở cơ sở giáo dục và phục vụ phát triển chương trình.
Việc đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương do tổ chức khảo thí cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức để phục vụ công tác quản lí các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng đánh giá kết quả giáo dục ở cơ sở giáo dục, phục vụ phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.
Phương thức đánh giá bảo đảm độ tin cậy, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học, không gây áp lực lên HS, hạn chế tốn kém cho ngân sách nhà nước, gia đình HS và xã hội.
Nghiên cứu từng bước áp dụng các thành tựu của khoa học đo lường, đánh giá trong giáo dục và kinh nghiệm quốc tế vào việc nâng cao chất lượng đánh giá kết quả giáo dục, xếp loại HS ở cơ sở giáo dục và sử dụng kết quả đánh giá trên diện rộng làm công cụ kiểm soát chất lượng đánh giá ở cơ sở giáo dục.
Định hướng đánh giá kết quả giáo dục trong dạy học môn Giáo dục thể chất theo Chương trình GDPT 2018
Chương trình môn Giáo dục thể chất thực hiện định hướng về đánh giá kết quả giáo dục trong Chương trình tổng thể, đồng thời nhấn mạnh các yêu cầu sau:
- Mục đích đánh giá là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực và những tiến bộ của HS trong suốt quá trình học tập môn học, qua đó điều chỉnh hoạt động dạy và học.
- Căn cứ đánh giá, các tiêu chí đánh giá và hình thức đánh giá bảo đảm phù hợp với mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực Giáo dục thể chất. Coi trọng đánh giá hoạt động thực hành; vận dụng kiến thức, kĩ năng làm ra sản phẩm của HS; vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
- Sử dụng đa dạng các phương pháp, hình thức đánh giá khác nhau bảo đảm đánh giá toàn diện HS; chú trọng đánh giá bằng quan sát trong đánh giá theo tiến trình và đánh giá theo sản phẩm. Với mỗi nhiệm vụ học tập, tiêu chí đánh giá được thiết kế đầy đủ, dựa trên yêu cầu cần đạt và được công bố ngay từ đầu để định hướng cho HS trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập; công cụ đánh giá phải phản ánh được yêu cầu cần đạt nêu trong mỗi chủ đề, mạch nội dung.
- Kết hợp giữa đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết; trong đó, đánh giá quá trình phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và tích hợp vào trong các hoạt động dạy học, đảm bảo mục tiêu đánh giá vì sự tiến bộ của HS; khuyến khích tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng.
Đặc điểm của kiểm tra, đánh giá trong dạy học môn Giáo dục thể chất theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh
Khi thực hiện dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực HS, cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học, KTĐG cũng cần đổi mới theo hướng đánh giá phẩm chất, năng lực của HS. Việc KTĐG trong dạy học môn GDTC theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh có những đặc điểm nổi bật sau:
– Đánh giá năng lực HS trong dạy học GDTC cần chú trọng tới đánh giá năng lực công nghệ. Khi đánh giá năng lực GDTC, cần căn cứ vào các dấu hiệu thể hiện của các thành tố năng lực GDTC mà xây dựng công cụ đánh giá phù hợp.
– Đánh giá năng lực Giáo dục thể chất không có nghĩa phải đánh giá đủ các thành tố của năng lực Giáo dục thể chất. Chúng ta biết rằng năng lực Giáo dục thể chất gồm có 3 thành tố: chăm sóc sức khỏe, vận động cơ bản và hoạt động thể thao. Mỗi nội dung dạy học cụ thể có thể chỉ nhằm hình thành và phát triển một hoặc một vài thành tố đó.
– Đánh giá năng lực hướng vào việc xác định HS giải quyết nhiệm vụ ở mức độ nào hơn là hiểu biết những gì. Theo quan điểm giáo dục hướng vào HS, đánh giá kết quả giáo dục phải hướng tới việc sau khi học, HS có thể vận dụng kiến thức, kĩ năng học được ở nhà trường vào cuộc sống, chứ không chỉ đánh giá từng đơn vị kiến thức, kĩ năng riêng rẽ. Với đặc điểm này, câu hỏi, bài tập trong dạy học Giáo dục thể chất không đơn thuần kiểm tra kiến thức, kĩ năng mà là kiểm tra năng lực giải quyết một nhiệm vụ cụ thể thường xuất hiện trong thực tiễn cuộc sống.
– Đánh giá năng lực của HS chú trọng tới đánh giá quá trình. Việc đánh giá quá trình học kết hợp với đánh giá kết quả học tập cho mang đến cho GV những thông tin phản hồi để điều chỉnh hoạt động dạy học. Đánh giá quá trình không chỉ để cho điểm mà còn tạo hứng thú học tập cho HS, giúp HS thấy được những gì đã đạt được, những gì chưa đạt và lí do tại sao chưa đạt để điều chỉnh và tự điều chỉnh hoạt động học tập của mình. Nhờ vậy mà kết quả học tập cao hơn, năng lực được hình thành và phát triển tốt hơn. Trong dạy học Giáo dục thể chất, có nhiều bài tập đòi hỏi HS phải tạo ra sản phẩm nào đó. Đánh giá quá trình ở đây còn có nghĩa không chỉ đánh giá sản phẩm mà còn đánh giá quá trình tạo ra sản phẩm đó.
– Cũng tương tự như KTĐG ở các môn học khác, đánh giá năng lực HS trong dạy học môn Giáo dục thể chất cũng tập trung vào mục tiêu đánh giá sự tiến bộ của HS so với chính bản thân các em hơn là mục tiêu đánh giá để xếp hạng giữa các HS với nhau.
Để đánh giá năng lực của HS trong dạy học Giáo dục thể chất, có thể thực hiện một trong 2 cách sau:
– Cách thứ nhất: Trong điều kiện cho phép và với chủ đề cụ thể, GV yêu cầu HS thực hiện một hoạt động trọn vẹn rồi đánh giá mức độ thực hiện của hoạt động đó.
– Cách thứ hai: Với mục tiêu của chủ đề hoặc hoạt động đòi hỏi thời lượng và điều kiện cơ sở vật chất lớn, khó đáp ứng cho KTĐG thì GV có thể phân tích năng lực của chủ đề hoặc hoạt động đó ra các năng lực thành phần rồi lựa chọn để chỉ đánh giá những năng lực thành phần đó.