Bài 10. LẮNG NGHE TRÁI TIM MÌNH
MỤC TIÊU
|
TRI THỨC NGỮ VĂN
– Thơ được sáng tác nhằm bộc lộ tình cảm, cảm xúc của nhà thơ trước những khoảnh khắc của đời sống. Đọc thơ trước hết là tìm hiểu, lắng nghe, chia sẻ những tình cảm, cảm xúc ấy qua ngôn ngữ thơ.
– Ngôn ngữ thơ có khả năng truyền cảm, lan toả tình cảm, cảm xúc nhờ được tổ chức một cách đặc biệt, độc đáo thể hiện qua cách dùng từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, các biện pháp tu từ,…
– Ngữ cảnh của một từ là những yếu tố ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ xung quanh nó. Như vậy, ngữ cảnh có thể là một tình huống, một đoạn văn, một câu, một cụm từ và cũng có thể là một từ. Ngữ cảnh có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn từ ngữ khi viết hoặc nói và hiểu nghĩa của từ khi đọc hoặc nghe.
– Nghĩa của từ trong ngữ cảnh:
+ Trong mỗi ngữ cảnh, từ thể hiện khả năng kết hợp các yếu tố khác, qua đó bộc lộ một nghĩa xác định nào đó. Khi gặp một từ không biết nghĩa, có thể dựa vào ngữ cảnh để xác định nghĩa của từ.
+ Khi xác định nghĩa của từ, cần lưu ý xem trong ngữ cảnh này, từ có được dùng với nghĩa thông thường (nghĩa có trong từ điển) hay được dùng với nghĩa khác.
Văn bản 1: ĐỢI MẸ (Vũ Quần Phương)
1. Tìm hiểu tác giả, tác phẩm
1.1. Tác giả
– Nhà thơ Vũ Quần Phương (sinh năm 1940) tên thật là Vũ Ngọc Chúc, quê cha ở Hải Hậu, Nam Định nhưng ông sinh ra ở quê mẹ Từ Liêm, Hà Nội.
– Cha mẹ mất sớm, năm 16 tuổi ông lên Hà Nội trọ học. Ông tốt nghiệp Đại học Y khoa, làm bác sĩ 2 năm trước khi chuyển sang làm nhà thơ, nhà phê bình văn học.
– Thơ Vũ Quần Phương trí tuệ, sâu sắc, giàu cảm xúc, suy tưởng về tình người, lẽ đời.
– Vũ Quần Phương là một nhà phê bình sắc sảo, luôn “điểm huyệt” để nắm bắt và lột tả được thần thái của mỗi bài thơ một cách chính xác và thuyết phục.
– Vũ Quần Phương cũng là một diễn giả thơ có sức lôi cuốn kì lạ đối với người nghe. Khi nói chuyện thơ, Vũ Quần Phương có giọng tâm sự nhỏ nhẹ, cũng có sự hóm hỉnh với những ví vong, những ý tưởng sâu sắc, dẫn chứng phong phí, liên tưởng thông minh.
Nhà thơ Phạm Khải từng nhận xét: “Là một nhà phê bình thơ có uy tín, lại có điều kiện được tiếp xúc với nhiều đối tượng bạn đọc thông qua các buổi nói chuyện thơ, Vũ Quần Phương đủ lịch lãm để biết điều hòa sao cho cân bằng các yếu tố “tình” và “lí”, “nghĩ” và “cảm” trong quá trình sáng tạo của mình”.
– Các tác phẩm: Cỏ mùa xuân (in chung – 1964), Hoa trong cây (1977), Những điều cùng đến (1983), Cát sáng (in chung – 1985), Vầng trăng trong xe bò (1988), Vết thời gian (1996),…
1.2. Tác phẩm
– Bài thơ Đợi mẹ in trong tập Thơ về mẹ, nhiều tác giả, NXB Lao động, 2012.
– Thể thơ: tự do, phù hợp để bày tỏ tình cảm của một em bé đang ngóng chờ mẹ.
2. Phân tích “nỗi đợi mẹ” của em bé
– Bài thơ đem đến một hình ảnh rất quen thuộc và rất thương với mỗi đứa trẻ. Đó là đợi mẹ đi làm về.
– Thời gian: Em bé đợi mẹ từ tối đến đêm khuya.
+ Trong tâm thức của con người, thời điểm hoàng hôn đến tối bao giờ cũng buồn, cũng có cảm giác cô đơn. Với một đứa trẻ, khi mẹ vắng nhà, điều đó lại càng tăng thêm nỗi buồn, nỗi nhớ mẹ, sự mong chờ mẹ trở về nhà.
+ Những từ ngữ nói về thời gian như “trời tối”, “đêm”, “khuya” thể hiện bước đi của thời gian từ hoàng hôn đến đêm và đến khuya. Thời gian càng kéo dài thì nỗi đợi mẹ càng tăng và người đọc càng thương em bé nhiều hơn. Thời gian ấy cũng cùng em bé đợi mẹ.
– Không gian:
+ Em bé đợi mẹ trong ngôi nhà của mình. Ấy là không gian quen thuộc nhưng vì không gian ấy vắng mẹ nên càng trở nên rộng lớn, trống trải. Và vì thế hình ảnh em càng nhỏ bé, càng thương.
+ Em ở nhà nhưng cái không gian mà em hướng đến lại là không gian rộng lớn ngoài kia, nơi có mẹ em. Đó là “ruộng lúa”, là “cánh đồng”, “đồng lúa”, “đồng xa”. Đó là nơi mẹ em đang làm việc.
+ Không gian ngôi nhà được miêu tả qua các hình ảnh “ngọn lửa bến chưa nhen”, “căn nhà tranh trống trải”. Căn nhà vắng vẻ, trống trải vì căn nhà vắng mẹ. Căn bếp chưa nhen lạnh lẽo cũng vì căn nhà vắng mẹ. Cách diễn tả này thể hiện được mẹ chính là ngọn lửa, mẹ chính là hơi ấm để bao bọc lấy con, sưởi ấm cho con. Có mẹ là có ấm áp, yêu thương. Dùng cách nói ấy để biểu thị tình cảm, tác giả thể hiện sự tinh tế và sâu sắc vô cùng.
+ Không gian đợi mẹ của em bé còn là một không gian lớn hơn. Đó là bầu trời, đó là “nửa vầng trăng non”, đó là bầu trời khuya, đó là “vườn hoa mận trắng”. Cả bầu trời trước mắt đều thấm đẫm “nỗi đợi mẹ”.
– Hình ảnh em bé đợi mẹ:
+ Em bé được đặt trong không gian ngôi nhà, cánh đồng và thời gian vận động từ tối đến khuya càng làm cho hoàn cảnh của em thật thương. Ở đây là thương chứ không phải tội nghiệp. Thương vì tối mà mẹ đi làm chưa về. Thương vì em ngoan ngoãn ngồi đợi mẹ. Thương vì em có mẹ để đợi. Thương vì mẹ sẽ về.
+ Hình ảnh đom đóm là người bạn cùng em đợi mẹ. Đom đóm gần như là hình ảnh động duy nhất ở bên em bé. Vì thế đom đóm từ “bay ngoài ao” mà “đom đóm đã vào nhà”. Dù đang đợi mẹ “chờ tiếng bàn chân mẹ” nhưng khi thấy đom đóm, em bé vẫn “nhìn đóm bay”. Chi tiết này thể hiện sự hồn nhiên, ngây thơ của một em bé.
+ Câu thơ cuối “Mẹ đã bế vào nhà nỗi đợi vẫn nằm mơ” có nghĩa là bé đợi được mẹ hay không đợi được mẹ? Có lẽ vừa đợi được vừa không. Mẹ đã về bế em vào nhà. Đó chính là điều em mong ngóng, chờ đợi. Nhưng lúc ấy, mẹ về em đã ngủ. Liệu em có biết mẹ đang bế em không? Liệu em có cảm nhận được hơi ấm từ mẹ đang bao bọc lấy em không? Hay trong giấc mơ em vẫn đang đợi mẹ? Bởi vì trong mơ em vẫn đợi mẹ kia mà. Tác giả đã dùng thủ pháp nhân hoá “nỗi đợi vẫn nằm mơ” để miêu tả hành động đợi mẹ vừa thương vừa đáng yêu. Phải chăng là vì em đã đợi mẹ rất nhiều lần, nhiều ngày, trở thành một thói quen. Đọc câu thơ sao mà thương em đến thế!
– Hình ảnh người mẹ xuất hiện không nhiều nhưng là nhân vật chính bao trùm toàn bài thơ.
+ Dù là thời gian, không gian, hình ảnh nào thì đối tượng hướng đến vẫn là mẹ. Ở đoạn đầu, mẹ được nhắc đến với những cách nói trực tiếp: “mẹ lẫn trên cánh đồng”, “chưa nhìn thấy mẹ” và cách nói gián tiếp “bếp chưa nhen”, “nhà tranh trống trải”.
+ Người mẹ được miêu tả qua chi tiết đắt giá “Bàn chân mẹ lội bùn ì oạp phía đồng xa”. Dường như “ì oạp” là âm thanh duy nhất của bài thơ. Âm thanh ấy nói lên hình ảnh người mẹ lam lũ, vất vả, bước thấp bước cao trên “cánh đồng xa”. Hình ảnh và âm thanh này gợi nhớ cánh cò vất vả trong ca dao “Con cò mà đi ăn đêm”. Bởi thế, mẹ dù không miêu tả nhiều thì vẫn đem đến cho người đọc hình ảnh người mẹ đang lao động vất vả để lo cho con. Đó là tình yêu, đức hi sinh lớn lao của người mẹ.
+ Hình ảnh người mẹ còn xuất hiện ở hình ảnh “mẹ đã bế em vào nhà”. Đấy là khung cảnh đẹp nhất mà cũng thương nhất của bài thơ. Em bé đợi mẹ nhưng lúc mẹ về thì em bé đã ngủ nên mẹ bế em vào nhà. Lúc ấy, chắc nỗi lòng người mẹ thương em lắm. Nỗi niềm ấy, người khác khó có thể thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ hết với người làm mẹ.
+ Hình ảnh người mẹ gắn với hình ảnh đẹp trong câu thơ “Trời về khuya lung linh trắng vườn hoa mận trắng”. Bằng hình ảnh và cách nói “lung linh trắng vườn hoa mận trắng”, tác giả đã thay đổi cả không gian và thời gian. Đêm khuya tưởng như tối tăm, buồn bã trở nên tươi sáng và rạng rỡ bởi sắc trắng. Phải chăng, màu hoa mận trắng ấy đã lan toả ra không gian để cả ngôi nhà, cả cánh đồng, cả bầu trời trắng trong tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp, thanh khiết. Sự chuyển đổi tài tình này đã tạo nên sự chuyển biến và tạo nên điểm nhấn cho bài thơ.
– Bài thơ được viết theo thể tự do, có cách ngắt nhịp độc đáo rất phù hợp nhằm nhấn mạnh sự mong chờ, khắc khoải và tình cảm, cảm xúc của một em bé đợi mẹ.
– Thông qua bài thơ Đợi mẹ, tác giả Vũ Quần Phương thể hiện được tình cảm yêu thương với những em bé, nhất là những em bé có mẹ đi làm xa, vất vả và tình cảm trân trọng tình yêu thương con, đức hi sinh của những người mẹ.
– Bài thơ đưa đến thông điệp về tình mẫu tử, nhắn nhủ mọi người biết yêu thương, trân quý sự vất vả, gian khó, đức hi sinh của mẹ.
Văn bản 2: MỘT CON MÈO NẰM NGỦ TRÊN NGỰC TÔI (Anh Ngọc)
1. Tìm hiểu tác giả, tác phẩm
1.1. Tác giả
– Nhà thơ Anh Ngọc, tên khai sinh là Nguyễn Đức Ngọc, sinh ngày 1/8/1943, quê quán ở Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An.
– Thơ Anh Ngọc hồn hậu, tin thế, giàu chất suy tư. Anh Ngọc là nhà thơ của những tư tưởng và ý nghĩ đúng và mới.
– Các tập thơ tiêu biểu: Hương đất màu cờ (1977), Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi (1997), Thơ Anh Ngọc – Thơ với tuổi thơ (2003), Gửi lại thời gian (2008),…
1.2. Tác phẩm
– Bài thơ Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi in trong tập thơ cùng tên, xuất bản năm năm 1997.
– Bài thơ bày tỏ tình yêu động vật bằng giọng thơ chân thành, tha thiết.
2. Hình ảnh con mèo nằm ngủ trên ngực “tôi”
Hình ảnh con mèo nằm ngủ trên ngực “tôi” thể hiện tập trung ở khổ thơ thứ hai.
– Những từ ngữ: trong veo, nhọn hoắt, nỗi kinh hoàng, móng vuốt.
– Những hình ảnh miêu tả con mèo: con mèo nằm ngủ trên ngực tôi, đôi mắt biếc trong veo, hàm răng nhọn hoắt, móng vuốt khép lại, ngủ như đứa trẻ giữa vòng tay ấp ủ,…
Những từ ngữ, hình ảnh này miêu tả đặc điểm, bộ phận của chú mèo. Qua đó, người đọc có thể thấy vẻ đẹp, nét đáng yêu và sức mạnh của chú mèo. Khi chú còn sống, chú nhất định chính là “nỗi kinh hoàng” của bầy chuột nhắt.
3. Tình cảm của nhân vật “tôi” đối với chú mèo
– Tình cảm của nhân vật tôi được thể hiện tập trung nhất ở khổ thơ thứ nhất và thứ tư.
+ Tôi nằm nghe nhịp nhàng thánh thót/ Trái tim tôi hoà nhịp trái tim mèo.
+ Trái tim tôi một phút bỗng mềm đi/ Một nỗi gì lâng lâng như hạnh phúc.
+ Tôi nằm nghe trái tim mình ca hát/ Trên ngực tôi nằm ngủ một con mèo.
– Cảm nhận của nhân vật tôi: cảm xúc hạnh phúc, vui vẻ, tràn ngập tình yêu thương, nhân vật “tôi” muốn bao bọc, che chở cho chú mèo bé nhỏ, đáng yêu.
4. Các biện pháp tu từ trong khổ thơ thứ năm
– Điệp ngữ ngủ đi lặp lại sáu lần tạo nên nhịp điệu nhẹ nhàng, du dương cho đoạn thơ, đồng thời thể hiện lời âu yếm, yêu thương của tác giả giành cho con mèo.
– Hoán dụ: đôi tai vểnh ngây thơ, cái đuôi dài bướng bỉnh, con hổ con kiêu hãnh, hàng ria mép ngang tàng, đôi mắt biếc trong veo => tạo cho hình ảnh con mèo thêm sinh động.
– Cách ngắt nhịp: dòng 1,2,3 ngắt nhịp 2/2/3/2; dòng 4 ngắt nhịp 3/2/3/2 hoặc 5/5.
=> Tác dụng: Các biện pháp tu từ và cách ngắt nhịp đã diễn tả sinh động vẻ đẹp hình thể uyển chuyển đồng thời việc thể hiện cảm xúc trở nên nhẹ nhàng, sâu lắng.
5. Cách thể hiện tình cảm độc đáo qua các từ ngữ trên ngực tôi, trái tim
– Những câu thơ có sử dụng các từ trên ngực tôi, trái tim:
+ Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi
+ Dưới con mèo, trái tim tôi đang đập
+ Trái tim tôi hoà nhịp trái tim mèo
=> Xuất hiện 3 lần trong khổ thơ đầu.
+ Trên ngực tôi một con mèo nằm ngủ
+ Trái tim tôi trong một phút bỗng mềm đi
=> Mỗi khổ thơ được nhắc đến 1 lần ở khổ 3,4.
+ Tôi nằm nghe trái tim mình ca hát
+ Trên ngực tôi nằm ngủ một con mèo
=> Xuất hiện 2 lần liên tiếp ở hai câu cuối bài thơ.
– Hai từ trên ngực tôi và trái tim xuất hiện nhiều lần trong bài thơ và được sử dụng một cách linh hoạt nhằm nhấn mạnh hình ảnh con mèo nằm ngủ trên ngực “tôi” và tình cảm yêu mến, bao bọc, che chở của “tôi” đối với con mèo.
6. Thông điệp của bài thơ
Hãy yêu thương các loài động vật bằng cả trái tim mình; hạnh phúc đến từ việc được yêu thương và cũng đến từ việc đem tình yêu thương, sự chở che, đùm bọc đến cho người khác, kể cả những loài vật bé nhỏ; hãy lắng nghe trái tim mình, để trái tim mình rung động trước những tình cảm nhân ái chân thành.
Văn bản 3: MÙA XUÂN NHO NHỎ (Thanh Hải)
1. Tìm hiểu tác giả, tác phẩm
1.1. Tác giả
– Nhà thơ Thanh Hải (4/11/1930 – 15/12/1980), quê ở xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
– Thanh Hải sớm tham gia cách mạng và văn học nghệ thuật, là một trong những cây bút tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ.
– Thơ Thanh Hải cũng như con người ông, chân thành, hồn hậu, mộc mạc và hình thức giản dị, giàu tính dân tộc.
– Nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá viết về Thanh Hải:
Cuộc đấu tranh bền bỉ, anh dũng của nhân dân miền Nam, của nhân dân Thừa Thiên là nguồn cảm hứng chủ yếu của thơ Thanh Hải. Sau năm 1975, thơ ông càng chín hơn. Bài “Mùa xuân nho nhỏ” (1980, làm trên giường bệnh trước khi mất không lâu) là thành công tiêu biểu hơn cả.
Nói chung, thơ ông chân thật, bình dị, đôn hậu và chân thành. Đối với nền thơ chống Mỹ của miền Nam, Thanh Hải là một trong những cây bút có nhiều đóng góp…
– Thanh Hải để lại 5 tập thơ: Các đồng chí trung kiên (1962), Huế mùa xuân (tập 1 – 1970; tập 2 – 1975), Dấu võng Trường Sơn (1977), Mùa xuân đất này (1982), Thơ Thanh Hải (1982),
1.2. Tác phẩm
– Mùa xuân nho nhỏ có thể xem là bài thơ tiêu biểu nhất của Thanh Hải.
– Bài thơ được viết tháng 11 năm 1980, khi nhà thơ nằm trên giường bệnh, chỉ một tháng trước khi ông qua đời.
– Bài thơ được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng Mùa xuân nho nhỏ.
– Bài thơ là cảm xúc yêu mến, say mê trước mùa xuân của thiên nhiên, đất nước. Qua đó bày tỏ khát vọng cao đẹp muốn làm “một mùa xuân nho nhỏ” để dâng hiến cho cuộc đời.
2. Cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời
– Mùa xuân của thiên nhiên đất trời được miêu tả thông qua hình ảnh, màu sắc, âm thanh:
+ Đó là các hình ảnh tươi đẹp, sinh động, duyên dáng của một dòng sông, một bông hoa, tiếng chim hót.
+ Màu sắc của dòng sông xanh, bông hoa màu tím là những màu thể hiện sức sống mùa xuân và mang sắc thái xứ Huế, quê hương tác giả.
+ Âm thanh là tiếng chim hót được thể hiện bằng những câu thơ ấn tượng:
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng
– Hai câu trên được đặt thành lời gọi, thành câu hỏi. Từ ơi, hót chi được đặt lên đầu câu thể hiện cảm xúc say sưa trước vẻ đẹp mùa xuân và tiếng chim hót. Nhà thơ cảm nhận mùa xuân không chỉ bằng thị xác mà còn bằng xúc giác tôi hứng, có thể chạm vào, nhìn thấy tiếng chim như một giọt long lanh. Đó là nghệ thuật chuyển đổi cảm giác tinh tế.
– Nhà thơ bộc lộ niềm say sưa, đắm say, ngây ngất trước thiên nhiên tươi đẹp. Qua đó, người đọc nhận ra tình yêu thiết tha với cuộc sống.
3. Cảm xúc trước mùa xuân của đất nước
– Từ mùa xuân của thiên nhiên, nhà thơ hướng đến mùa xuân của đất nước.
+ Tác giả chọn miêu tả hai hình ảnh tiêu biểu cho đất nước người cầm súng và người ra đồng đại diện cho hai nhiệm vụ lớn trong lúc bấy giờ là chiến đấu và xây dựng đất nước.
+ Hình ảnh người cầm súng, người ra đồng đều gắn liền với lộc. Lộc giắt đầy trên lưng vừa là hình ảnh thực về những chiếc lá nguỵ trang của người chiến sĩ hành quân ra trận vừa mang ý nghĩa biểu tượng cho lộc mùa xuân. Người chiến sĩ hành quân ra trận mang theo cả mùa xuân đẹp vẻ đẹp anh hùng và lãng mạn. Còn người nông dân ra đồng Lộc trải dài nương mạ lại chính là người gieo lộc, làm nên mùa xuân.
+ Chỉ hai hình ảnh nhưng có thể mang cả lộc xanh, cả mùa xuân tươi xanh trải ra trước mắt người đọc cũng niềm vui tươi, phấn khởi trước mùa xuân đất nước.
+ Nhịp thơ 2/3 và 3/2 tạo cảm giác về sự hối hả, xôn xao như khí thế tưng bừng, rộn rã của đất nước.
– Từ mùa xuân đất nước, tác giả nhìn lại lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của ông cha để tri ân công lao của các thế hệ đi trước và bày tỏ niềm tin tưởng vào tương lai Đất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước.
4. Ước nguyện cao đẹp làm “một mùa xuân nho nhỏ”
– Tác giả dùng điệp ngữ Ta, Ta làm để bày tỏ một cách trực tiếp và tha thiết ước nguyện hoá thân và dâng hiến.
+ Ở đầu bài thơ tác giả dùng từ tôi nhưng ở đây tác giả chuyển sang dùng từ ta để biểu thị sự chuyển đổi từ cái tôi cá nhân đến cái ta chung của toàn dân tộc, của cả đất nước.
+ Tác giả chọn những hình ảnh con chim hót, một nhành hoa, một nốt trầm đều là những hình ảnh nhỏ bé, giản dị, khiêm nhường nhưng cao đẹp. Dù là con chim nhỏ, dù là cành hoa bé, dù là một nốt trầm lặng lẽ nhưng đều là cái tốt đẹp để nhập vào bản hoà ca lớn của đất nước, của dân tộc. Đó là vẻ đẹp của sự hoá thân và dâng hiến mà Thanh Hải hướng đến.
+ Một hình ảnh nữa mà Thanh Hải lựa chọn là hoá thân thành Một mùa xuân nho nhỏ. Điều này thể hiện khát vọng sống đẹp, sống có ích. Hơn nữa khát vọng ấy được thể hiện một cách giản dị là mùa xuân nho nhỏ và cống hiến một cách lặng lẽ dâng cho đời, cống hiến hết mình Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc. Điệp ngữ dù là thể hiện khát vọng cống hiến không ngừng nghỉ.
– Điều đáng nói, đáng trân trọng hơn nữa là khát vọng được cống hiến mãnh liệt, chân thành ấy khi nhà thơ không còn nhiều thời gian. Dù đau đớn, bệnh tật nhưng nhà thơ vẫn lạc quan, tin tưởng, tình yêu cuộc sống, tình yêu đất nước, khát vọng được cống hiến và đóng góp vẫn luôn thường trực.
– Khổ thơ cuối ngân lên câu dân ca xứ Huế Nam ai, Nam bình, với hình ảnh nước non ngàn dặm. cuối là khúc vĩ thanh cho tình yêu quê hương, đất nước.
THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT
1. Bài tập xác định nghĩa của từ trong ngữ cảnh.
2. Bài tập tìm hiểu nghĩa của từ trong những ngữ cảnh khác nhau.
VIẾT
Quy trình viết bài văn biểu cảm về con người.
Quy trình viết bài văn biểu cảm về con người | |||||||
Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết | – Xác định đề tài
– Thu thập tư liệu |
||||||
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý | – Tìm ý
– Lập dàn ý:
|
||||||
Bước 3: Viết bài | – Lần lượt viết mở bài, thân bài, kết bài.
– Thân bài cần lưu ý kết hợp biểu cảm với tự sự và miêu tả. – Sử dụng các từ ngữ thể hiện các trạng thái cảm xúc. |
||||||
Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm | – Xem lại và chỉnh sửa
– Rút kinh nghiệm |
NÓI VÀ NGHE
Quy trình viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống:
Quy trình viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống | |||||||||
Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết
|
– Xác định đề tài
– Thu tập tư liệu:
|
||||||||
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý | – Tìm ý:
|
||||||||
Bước 3: Viết bài | Dựa vào dàn ý viết bài văn hoàn chỉnh | ||||||||
Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm | – Xem lại và chỉnh sửa
– Rút kinh nghiệm |