Bài 4. QUÀ TẶNG CỦA VẠN VẬT (Tản văn, tuỳ bút)
MỤC TIÊU
|
ĐỌC
TRI THỨC NGỮ VĂN
– Tản văn:
Tản văn là loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, có thể trữ tình, tự sự, nghị luận, miêu tả phong cảnh, khắc hoạ nhân vật. Lối thể hiện đời sống của tản văn mang tính chất chấm phá, không nhất thiết đòi hỏi có cốt truyện phức tạp, nhân vật hoàn chỉnh nhưng có cấu tứ độc đáo, có giọng điệu, cốt cách cá nhân. Điều cốt yếu là tản văn tái hiện được nét chín của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội, bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩ mang đậm bản sắc cá tính của tác giả.
(Lê Bán Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi (đồng Chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, 2009)
– Tuỳ bút:
Tuỳ bút là một thể thuộc loại hình kí, rất gần với bút kí, kí sự.
Nét nổi bật của tuỳ là qua việc ghi chép những con người và sự kiện cụ thể có thực, tác giả đặc biệt chú trọng đến việc bộc lộ cảm xúc, suy tư và nhận thức, đánh giá của mình về con người và cuộc sống hiện tại.
Cấu trúc của tuỳ bút, nói chung, không bị ràng buộc, câu thúc bởi một cốt truyện cụ thể, song nội dung của nó vẫn được triển khai theo một cảm hứng chủ đạo, một tư tưởng chủ đề nhất định.
Ngôn ngữ tuỳ bút giàu hình ảnh và chất thơ.
(Lê Bán Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi (đồng Chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, 2009)
– Chất trữ tình trong tản văn, tuỳ bút là yếu tố được tạo nên từ vẻ đẹp của cảm xúc, suy nghĩ, vẻ đẹp của thiên nhiên,… nhằm tạo nên rung động thẩm mĩ cho người đọc.
– Cái tôi trong tản văn, tuỳ bút là sự thể hiện cảm xúc, suy nghĩ riêng của tác giả.
– Ngôn ngữ tản văn, tuỳ bút thường tinh tế, sống động, mang hơi thở đời sống, giàu hình ảnh và chất trữ tình.
– Mạch lạc trong văn bản
+ Mạch lạc là sự liền mạch về nội dung trong một đoạn văn hoặc một văn bản, thể hiện ở sự thống nhất về đề tài và sự tiếp nối các câu/ đoạn theo một trình tự hợp lí.
+ Sự mạch lạc trong văn bản giúp cho người đọc hiểu nội dung của văn bản, gợi hứng thú, cảm xúc khi tìm hiểu văn bản,…
– Ngôn ngữ của các vùng miền:
Ở nước ta, có thể nói có ba kiểu ngôn ngữ chủ yếu là giọng miền Bắc, giọng miền Trung, giọng miền Nam. Trong mỗi vùng lại có một số điểm khác nhau ở từng địa phương nhỏ hơn. Điều này thể hiện ở cách phát âm và từ vựng.
VĂN BẢN 1: CỐM VÒNG (Vũ Bằng)
1. Tác giả
– Nhà văn Vũ Bằng (1913 – 1984), quê gốc ở Hải Dương, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội.
– Vũ Bằng tốt nghiệp Tú tài Pháp, làm nghề viết văn, viết báo, từ năm 16 tuổi đã có truyện đăng báo.
– Năm 1954, ông vào Sài Gòn viết văn, làm báo và hoạt động tình báo cách mạng.
– Văn chương Vũ Bằng có nhiều nét độc đáo. Có khi là lối viết trữ tình, giàu cảm xúc, tinh tế, có khi lại dí dỏm, trào phúng nhẹ nhàng. Khi miêu tả, ông thường rất kĩ lưỡng.
– Vũ Bằng viết nhiều thể loại như tiểu thuyết, bút kí, truyện kí, truyện thiếu nhi,.. Ông là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất về bút kí.
– Các tập tác phẩm tiêu biểu: Miếng ngon Hà Nội (1960), Miếng lạ miền Nam (1969), Thương nhớ mười hai (1972),…
2. Đặc điểm thể loại thể hiện trong văn bản Cốm Vòng (Vũ Bằng)
– Cốm Vòng (Vũ Bằng) là một tuỳ bút viết về đặc sản cốm làng Vòng, một thức quà đặc trưng của mùa thu Hà Nội.
– Văn bản thể hiện những cảm xúc, tình cảm, chiêm nghiệm, suy tưởng của tác giả Vũ Bằng về cốm Vòng, công việc của người làm cốm đồng thời bày tỏ thái động trân quý những sản vật, con người và vẻ đẹp thanh lịch của đất kinh kì.
– Viết về cốm Vòng, tác giả dùng lối viết tự do nhưng đảm bảo tính mạch lạc cho văn bản: vẻ đẹp trong sự kết hợp giữa hồng và cốm trong mùa thu Hà Nội, công việc làm cốm, bán cốm, thưởng thức cốm,…
– Khi viết về cốm Vòng, tác giả Vũ Bằng thể hiện bút pháp đặc trưng của mình là quan sát tỉ mỉ, miêu tả tinh tế, lắng đọng cảm xúc, lựa chọn ngôn ngữ chắt lọc. Qua đó, người đọc cảm nhận được tình yêu, nỗi nhớ của tác giả đối với Hà Nội.
3. Nội dung chính của văn bản Cốm Vòng (Vũ Bằng)
– Vẻ đẹp của mùa thu Hà Nội thể hiện trong hình ảnh cốm Vòng.
+ Sự kết hợp giữa cốm Vòng và hồng chín thành một thứ giản dị mà thanh khiết, một thứ chói lọi mà vương giả. Vẻ đẹp ấy hoàn hảo đến mức tác giả gọi là một cuộc “nhân duyên”.
+ Hình ảnh đáng nhớ của mùa thu Hà Nội là những cô gái làng Vòng gánh cốm đi bán khắp phố phường Hà Nội.
+ Vẻ đẹp của những hạt thóc nếp hoa vàng còn ngậm sữa nhưng đã tròn mẩy hạt, tạo ra những hạt cốm mang cả hương vị của cánh đồng, của đất trời quê hương.
– Các bước làm ra sản phẩm cốm Vòng.
+ Đó là một công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn, cần cù.
+ Các công đoạn từ ngắt lúa, tuốt lúa, rang lúa đến xay, giã, dần, sàng đến hồ cốm rồi gói cốm đều phải được làm với tất cả sự trân trọng, nâng niu.
+ Cách gói cốm bằng lá sen và buộc lại bằng một cọng rơm tạo thành món quà giản dị nhưng mang đậm vẻ đẹp của làng quê.
– Cách thưởng thức cốm Vòng cũng cần nhẹ nhàng, tinh thế, thanh lịch, đẹp đẽ, cảm nhận từng chút một hương vị của cốm cũng như hương vị của đồng quê.
4. Tình cảm, cảm xúc của tác giả thể hiện trong văn bản Cốm Vòng (Vũ Bằng)
– Tác giả viết về cốm Vòng khi đang ở xa Hà Nội, xa cốm Vòng mà nhớ về cốm Vòng. Vì thế, có thể thấy, tác giả đã viết về cốm Vòng không chỉ bởi tình yêu với cốm Vòng mà còn được khúc xạ bởi nỗi nhớ thương về Hà Nội, về quê hương, về văn hoá xứ Bắc.
– Tác giả viết bằng nỗi nhớ nhưng đã thể hiện sự tỉ mỉ, tường tận, chi tiết khi miêu tả về cốm Vòng, từ sự kết hợp như “nhân duyên” giữa cốm Vòng và hồng chín trong mùa thu Hà Nội đến hình ảnh người bán cốm; từ nguồn gốc của cốm đến các công đoạn làm cốm; từ hương vị cốm đến cách thưởng thức cốm.
– Viết về vẻ đẹp của cốm, tác giả tôn vinh hương vị của đồng quê, công sức của người lao động làm ra hạt lúa, tôn vinh sự khéo léo, sáng tạo của người dân làng Vòng làm ra món cốm Vòng, trở thành thức quà đặc sản của mùa thu Hà Nội, một phần của văn hoá Hà thành.
VĂN BẢN 2: MÙA THU VỀ TRÙNG KHÁNH NGHE HẠT DẺ HÁT (Y Phương)
1. Tác giả
– Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước (1948 – 2022), quê ở làng Hiếu Lễ, xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, gia đình là người dân tộc Tày.
– Ở vùng núi, lên 9 tuổi, Y Phương mới đi học cấp một và nói tiếng Kinh. Ông sớm có niềm đam mê văn chương và ham đọc sách.
– Y Phương từng tham gia bộ đội, học Trường viết văn Nguyễn Du và công tác trong ngành văn học nghệ thuật, đạt nhiều giải thưởng văn chương.
– Tác phẩm của Y Phương mang hơi thở miền núi, đây cũng là một trong những nét nổi bật trong phong cách văn chương Y Phương. Hình ảnh thiên nhiên và con người qua ngòi bút của Y Phương trong sáng, khoẻ khoắn, khoáng đạt, hồn nhiên,… Ông thương dùng ngôn ngữ chân thật nhưng giàu hình ảnh, cảm xúc,…
– Các tác phẩm chính:
Thơ: Người núi Hoa (1982), Tiếng hát tháng Giêng (1986), Lửa hồng một góc (1987), Lời chúc (1991), Đàn Then (1996), Thơ Y Phương (2002),…
Tản văn: Tháng Giêng – tháng Giêng một vòng dao quắm (2009), Kungfu người Co Xàu (2011).
2. Đặc điểm thể loại thể hiện trong văn bản Mùa thu về Trùng Khánh nghe hạt dẻ hát (Y Phương)
– Là văn bản tản văn, viết bằng văn xuôi. Tác giả viết về vẻ đẹp của rừng dẻ Trùng Khánh vào mùa.
– Từ việc viết về hạt dẻ Trùng Khánh, tác giả bàn luận về việc phát triển du lịch địa phương, sự kết nối những vẻ đẹp đặc trưng của vùng núi quê hương mình.
– Qua đó, tác giả cũng thể hiện sự chiêm nghiệm về vẻ đẹp con người miền núi quê mình, sống gắn bó với thiên nhiên tươi đẹp nên tâm hồn họ cũng rất đỗi trong sáng, hồn nhiên, phóng khoáng, chân chất, mộc mạc.
– Tác giả có lối viết linh hoạt, tự do vừa miêu tả vẻ đẹp của hạt dẻ, rừng dẻ Trùng Khánh vào mùa, vừa bày tỏ cảm xúc cá nhân. Ngoài ra, tác giả còn kể xen kẽ những câu chuyện đời thường.
– Ngôn ngữ văn bản rất đỗi tự nhiên, không cầu kì, trau chuốt. Tác giả sử dụng những từ ngữ giàu hình ảnh của núi rừng, hoa cỏ, cách so sánh độc đáo, thú vị như cách nói của người dân vùng núi.
3. Chất trữ tình, cái tôi tác giả và thông điệp của văn bản Mùa thu về Trùng Khánh nghe hạt dẻ hát (Y Phương)
– Chất trữ tình: Vẻ đẹp của rừng dẻ Trùng Khánh vào mùa và vẻ đẹp tâm hồn của con người nơi đây.
– Cái tôi tác giả: Tình yêu, sự gắn bó, với quê hương cùng sản vật, con người quê hương của tác giả Y Phương.
– Thông điệp: Hạt dẻ Trùng Khánh là món ăn ngon, là vẻ đẹp của núi rừng Trùng Khánh, gắn bó với cuộc sống hồn nhiên, thuần hậu, chất phác của con người nơi đây.
4. Vẻ đẹp của hình ảnh “hạt dẻ hát” trong văn bản Mùa thu về Trùng Khánh nghe hạt dẻ hát (Y Phương)
Giai điệu “hạt dẻ hát” được miêu tả bằng cả thời gian, không gian, hình ảnh và âm thanh.
– Thời gian: Mùa thu, những cánh rừng dẻ râm ran đang vào vụ; những ngày trời trong mây cao.
– Không gian: Khói đốt đồng đâm thẳng lên trời như sây sào. Không gian tứ bề yên ắng tĩnh mịch.
– Hình ảnh: dẻ rơi theo nhịp; dẻ rơi rơi như mưa màu nâu.
– Âm thanh: lao xao, rì rào, tí tách; là bản nhạc mùa thu. Bên cạnh đó còn điểm vào những thanh âm khác như tiếng gà mổ toọc toọc liên tiếp lên thân hạt dẻ; tiếng lá rừng bật lên tiếng cười hu hú ha há.
VĂN BẢN 3: Chuyện cơm hến (Hoàng Phủ Ngọc Tường) [bộ Kết nối tri thức và cuộc sống]
1. Tác giả
– Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937, quê gốc ở Quảng Trị, sinh ra và lớn lên ở Huế.
– Ông từng dạy học ở trường Quốc học Huế, sau đó tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoạt động văn nghệ kháng chiến.
– Hoàng Phủ Ngọc Tường có sáng tác thơ, nhàn đàm và đã có một số tuyển tập. Nhưng thành tựu lớn nhất, định hình phong cách của ông là bút ký.
– Văn chương của Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam, đặc biệt là vẻ đẹp, văn hoá của xứ Huế, nơi gắn bó với cuộc đời ông.
– Ngòi bút của ông tài hoa, cách tiếp cận cuộc sống độc đáo, tâm hồn nhạy cảm, gợi ra vẻ đẹp duyên dáng đậm nét văn hoá của mỗi vùng đất.
– Trong các tác phẩm của mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện vốn sống, vốn văn hoá sâu rộng, đem đến cho người đọc sự cảm nhận và những hiểu biết mới mẻ.
– Các tác phẩm tiêu biểu: Rất nhiều ánh lửa (1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông? (1984), Huế – di tích và con người (2001), Miền cỏ thơm (2007),…
2. Đặc điểm thể loại thể hiện trong văn bản Chuyện cơm hến (Hoàng Phủ Ngọc Tường)
– Là văn bản tản văn, viết bằng văn xuôi.
– Tác giả viết về món cơm hến, một món ăn bình dân phổ biến của xứ Huế quê mình. Qua đó, tác giả bàn luận về văn hoá ẩm thực Huế và việc giữ gìn “chất Huế”, văn hoá Huế, đặc biệt trong xã hội hiện đại.
– Chuyện cơm hến được viết như một cuộc trò chuyện thân mật của tác giả với người đọc về cơm hến xứ Huế, về hương vị, cách làm món cơm hến, về tình yêu, sự gắn bó với món ăn dân giã mà đậm đà nét Huế.
– Ngôn ngữ của Chuyện cơm hến tự nhiên, gần gũi, giàu tính khẩu ngữ, đậm màu sắc Huế với rất nhiều từ địa phương, cách nói, cách nghĩ, cách thể hiện của người Huế.
3. Đặc điểm của món cơm hến Huế trong Chuyện cơm hến (Hoàng Phủ Ngọc Tường)
– Cơm hến Huế là một món ăn bình dân, được làm từ những vật liệu dễ tìm, rẻ tiền như: cơm nguội, hến, bún tàu, măng khô, thịt heo thái chỉ, rau sống từ thân chuối hoặc bắp chuối, môn bạc hà, khế, rau thơm, giá chần, các gia vị quen thuộc, nước dùng cũng là nước luộc hến.
– Được những các cô, các chị gánh từng gánh đi bán khắp các phố phường ở Huế với giá rất rẻ.
– Được rất nhiều người Huế và khách đến Huế ưa chuộng.
– Dù là món ăn bình dân nhưng cơm hến mang đậm hương vị và ẩn chứa văn hoá ẩm thực xứ Huế, được coi là món ăn đặc sản Huế như tác giả viết chao ôi là Huế.
4. Những suy tưởng của tác giả trong Chuyện cơm hến (Hoàng Phủ Ngọc Tường)
– Nét đặc sắc trong văn hoá ẩm thực và phong cách ăn uống của người Huế, vùng đất kinh kỳ vẫn còn giữ được nhiều nét riêng từ xưa truyền lại.
– Việc giữ gìn hương vị, vẻ đẹp truyền thống trong các món ăn đặc sản xứ Huế của người Huế, nhất là trong thời hiện đại.
– Tình cảm, sự gắn bó của người Huế và những người yêu Huế đối với không chỉ là món cơm hến mà còn đối với những món ăn khác mang đặc trưng xứ Huế.
5. Tình cảm, cảm xúc của tác giả thể hiện trong Chuyện cơm hến (Hoàng Phủ Ngọc Tường)
– Tác giả vô cùng yêu thích, quý trọng món cơm hến, đã quan sát, tìm hiểu, miêu tả kĩ lưỡng các thành phần, hương vị, gia vị, cách làm,… của món ăn.
– Tác giả thưởng thức cơm hến, coi đây là món ăn mang hạnh phúc trời hành, là hương vị bát ngát suốt đời, đi xa trở về, được ăn cơm hến thấy xúc động tận chân răng và đã ăn một tô cơm hến bằng tất cả tâm hồn.
– Trân trọng những con người tạo ra món ăn, phổ biến món ăn và giữ gìn hương vị truuyền thống của món ăn đặc sản xứ Huế.
– Mong muốn gìn giữ hương vị truyền thống của cơm hến cũng như các món ăn mang “chất Huế” để không bị mai một, đổi khác đi trong thời hiện đại.
THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT
– Bài tập về tính mạch lạc của văn bản qua một số ngữ liệu.
– Bài tập về từ địa phương trong một số ngữ liệu.
VIẾT
1. Quy trình viết bài văn biểu cảm về con người và sự việc
Quy trình viết bài văn biểu cảm về con người và sự việc | |||||||
Bước 1:
Chuẩn bị trước khi viết |
– Xác định đề tài
– Thu thập tư liệu |
||||||
Bước 2:
Tìm ý và lập dàn ý |
– Tìm ý
+ Ghi những từ ngữ thể hiện tình cảm, cảm xúc của mình về con người, sự việc đó. + Ghi lại những sự việc, chi tiết về con người, sự việc đem đến cho mình tình cảm, cảm xúc như vậy. – Lập dàn ý
|
||||||
Bước 3:
Viết bài |
– Dựa vào dàn ý viết bài viết hoàn chỉnh.
– Kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố miêu tả, tự sự, tránh sa vào kể chuyện. – Chú ý sử dụng các từ ngữ thể hiện cảm xúc, các biện pháp so sánh, ẩn dụ, liên tưởng để bài viết thêm giàu hình ảnh, cảm xúc. |
NÓI VÀ NGHE
Tóm tắt ý chính do người khác trình bày
(Tham khảo quy trình tóm tắt ý chính do người khác trình bày ở bài 1)