Yêu cầu cần đạt:
- Biết được các căn cứ, nguyên tắc lập dự toán thu, chi ngân sách trường THCS và xây dựng được kế hoạch tài chính hằng năm của trường THCS để lập dự toán thu, chi ngân sách thực hiện CT GDPT 2018;
Nhiệm vụ của người học:
- Xem video 6: Hướng dẫn lập kế hoạch tài chính trường THCS để thực hiện CT GDPT 2018.
- Xem video 7: Kết nối kế hoạch năm học và kế hoạch tài chính để thực hiện CTGDPT 2018 của trường THCS Tây Sơn (đã có BD cốt cán, sử dụng lại);
- Trả lời các câu hỏi, làm các bài tập trắc nghiệm liên quan đến nội dung bài học của hoạt động 3;
- Tìm hiểu Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT ngày 30/8/2019 hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo;
HOẠT ĐỘNG QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH TRONG TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ HƯỚNG TỚI KẾT QUẢ GIÁO DỤC HỌC SINH TỐT HƠN
Hoạt động quản trị tài chính trong trường trung học cơ sở bao gồm :
- Lập dự toán thu, chi ngân sách;
- Xây dựng, điều chỉnh Quy chế chi tiêu nội bộ;
- Quản lý thu chi;
- Báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán;
- Huy động và sử dụng các nguồn ngân sách hợp pháp;
- Kiểm tra tài chính;
- Công khai tài chính.
Lập dự toán thu, chi ngân sách trường THCS để thực hiện Chương trình GDPT 2018
3.1. Những căn cứ để lập dự toán thu, chi ngân sách năm của trường trung học cơ sở
3.1.1. Các văn bản pháp lý
– Luật Ngân sách nhà nước;
– Các văn bản hướng dẫn về lập dự toán thu, chi ngân sách:
+ Các văn bản về quản lý tài chính hiện hành; các văn bản hướng dẫn cho các thời kỳ: ba năm, hàng năm, hàng quý; các chỉ tiêu sự nghiệp được giao trong năm, trong kỳ kế hoạch; các định mức về biên chế: định mức lao động đối với các loại lao động; các định mức về tài chính v.v…
+ Các văn bản hướng dẫn và quy định, về quản lý tài chính của các cấp quản lý: chính quyền địa phương (UBND cấp tỉnh, thành phố quy định về mức thu, chi các khoản thu, chi của HS trong năm học), cơ quan quản nhà nước về giáo dục, tài chính.
Cụ thể là:
- Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường;
- Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường;
- Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015: Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;
- Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm 2015-2016 đến 2020-2021;
- Thông tư số 91/2006/TT-BTC ngày 02/10/2006 của Bộ Tài chính Hướng dẫn Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập;
- Thông tư số 03/VBHN-BGDĐT ngày 23/6/2017của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông;
- Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
- Các văn bản hướng dẫn của địa phương: cấp tỉnh (và tương đương), cấp huyện (và tương đương).
3.1.2. Căn cứ nhiệm vụ chức năng, cơ chế quản lý
-Đơn vị dự toán: cấp III hay dưới cấp III. Thông thường, các trường trung học cơ sở công lập là đơn vị dự toán cấp III.
Đơn vị dự toán cấp III là đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách, được đơn vị dự toán cấp I hoặc cấp II giao dự toán thu, chi ngân sách, có trách nhiệm tổ chức, thực hiện công tác kế toán và quyết toán ngân sách của đơn vị mình và đơn vị sử dụng ngân, sách trực thuộc (nếu có) theo quy định.
Đơn vị cấp dưới của đơn vị dự toán cấp III được nhận kinh phí để thực hiện phần công việc cụ thể, khi chi tiêu phải thực hiện công tác kế toán và quyết toán theo quy định.
-Loại hình quản lý: công lập hay ngoài công lập.
3.1.3. Căn cứ các nguồn thu
(i) Nguồn kinh phí do Nhà nước cấp đối với các trường công lập gồm:
- Kinh phí bảo đảm hoạt động thường xuyên thực hiện chức năng, nhiệm vụ được cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp giao;
- Kinh phí thực hiện chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ, viên chức;
- Kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu;
- Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng (điều tra, quy hoạch, khảo sát, các nhiệm vụ khác);
- Kinh phí thực hiện nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao;
- Vốn đầu tư xây dựng cơ bản, kinh phí mua sắm trang thiết bị, sửa chữa lớn tài sản cố định phục vụ hoạt động sự nghiệp theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự toán được giao hàng năm;
– Kinh phí khác (nếu có).
(ii) Nguồn thu sự nghiệp, gồm: Phần được để lại từ số thu phí, lệ phí cho đơn vị sử dụng theo quy định của Nhà nước.
(iii) Nguồn vốn viện trợ, quà biếu, tặng, cho theo quy định của pháp luật.
(iv) Nguồn khác, gồm: Nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng và vốn huy động của cán bộ viên chức trong đơn vị.
3.1.4. Căn cứ nội dung chi
- Chi thường xuyên: Tiền lương; tiền công; các khoản phụ cấp lương; các khoản trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn theo quy định hiện hành; dịch vụ công cộng; văn phòng phẩm; các khoản chi nghiệp vụ; sửa chữa thường xuyên tài sản cố định và các khoản chi khác theo chế độ quy định; v.v…
- Chi không thường xuyên: Dự toán thu, chi ngân sách hằng năm của trường THCS được lập theo mẫu quy định của Bộ Tài Chính, gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp phê duyệt
Để có cơ sở lập dự toán thu, chi ngân sách hằng năm của trường THCS thực hiện Chương trình GDPT 2018, trước hết nhà trường cần xây dựng kế hoạch tài chính.
3.2. Xây dựng kế hoạch tài chính gắn với yêu cầu triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường
3.2.1. Yêu cầu đối với xây dựng kế hoạch tài chính trong trường trung học 3.cơ sở
- Kế hoạch tài chính của trường phải phản ánh đầy đủ các khoản thu, chi theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
- Kế hoạch tài chính của trường phải lập theo đúng mẫu biểu, đúng thời gian quy định của Bộ Tài chính, các cơ quan chức năng và theo đúng mục lục ngân sách (Phụ lục 3).
- Kế hoạch tài chính phải đảm bảo nguyên tắc cân đối giữa nguồn thu và các khoản chi, không chi vượt nguồn thu.
- Xây dựng kế hoạch tài chính phải đảm bảo phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của nhà trường THCS thực hiện Chương trình GDPT 2018.
- Kế hoạch tài chính nhằm giúp cho hiệu trưởng trường trung học cơ sở xác định được các hoạt động, thời điểm thực hiện các hoạt động, sự phối hợp và huy động các lưc lượng về quản lý tài chính trong năm học của nhà trường.
3.2.2. Các nội dung cơ bản của kế hoạch tài chính trường THCS
- Xác định tổng nguồn thu của trường năm hiện tại;
- Xác định tổng nguồn thu của trường năm kế hoạch;
- Xác định tổng nhu cầu chi của trường năm kế hoạch (chủ yếu là chi thường xuyên);
- Cân đối thu chi: thừa, thiếu theo từng nguồn chi;
- Các giải pháp, kiến nghị nếu cân đối thu không đủ chi.
Kế hoạch tài chính của trường tiểu học phải phản ánh các hoạt động của nhà trường, gắn các nhiệm vụ kế hoạch năm học với kế hoạch tài chính, nên kết nối để kế hoạch tài chính phải dựa trên kế hoạch năm học của từng trường, từng năm cụ thể. Các nhóm chi tương ứng với các nhiệm vụ năm học, đặc biệt quan tâm đến chi hoạt động chuyên môn cho các hoạt động triển khai thực hiện CTGDPT 2018, chi mua sắm, sửa chữa, cải tạo CSVC, thiết bị, công nghệ dạy học, giáo dục phục vụ triển khai CTGDPT 2018. Cụ thể theo bảng gợi ý dưới đây:
3.2.3. Các bước lập kế hoạch tài chínhtrường THCS
Bước 1: Chuẩn bị lập kế hoạch tài chính
a) Xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu của trường được giao và được xác định trong kỳ kế hoạch (số học sinh).
b) Xác định các quy định về định mức, định biên của trường đã được thông báo.
c) Phân công trách nhiệm cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ Lập kế hoạch tài chính.
d) Thu thập thông tin cho Kế hoạch tài chính.
– Các yếu tố ảnh hưởng đến ngân sách: Các quy định về thu – chi; khả năng huy động từ cộng đồng…
– Các định mức và chỉ tiêu được giao: Số lượng HS; số định biên về cán bộ GV; các định mức: Kinh phí/HS, khoán chi v.v..
– Nhu cầu tài chính.
Bước 2: Soạn thảo kế hoạch tài chính
a) Xây dựng kế hoạch các nguồn thu bao gồm:
– Nguồn NSNN cấp theo kế hoạch các nhiệm vụ được giao. Các nguồn thu đã được đề cập ở trên;
– Nguồn ngân sách thu sự nghiệp: Học phí, và các khoản thu dịch vụ công khác;
– Xây dựng các định mức, các chỉ tiêu cần đạt được về ngân sách;
– Lập các biểu bảng theo mẫu quy định về các nguồn thu.
b) Xây dựng kế hoạch các khoản chi
Căn cứ các khoản chi đã nói ở trên để lập kế hoạch chi. Kế hoạch chi của các trường gồm các nội dung lớn:
– Các khoản chi thường xuyên: đúng tính chất nguồn kinh phí, triệt để tiết kiệm (gồm các khoản chi thanh toán cá nhân như chi lương và các khoản có tính chất như lương, các khoản chi chế độ chính sách cho học sinh (Theo NĐ86/2015/NĐ-CP); chú ý các chế độ đặc thù như chi cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật, Hội đồng trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú,… ), chi hoạt động chuyên môn, chi mua sắm sửa chữa nhỏ, bải trì cải tại, nâng cấp;
– Các khoản chi không thường xuyên;
– Chi chương trình mục tiêu;
– Các khoản chi khác.
c) Thảo luận nội bộ về kế hoạch ngân sách.
Bước 3: Báo cáo kế hoạch tài chính
Báo cáo các cấp quản lý nhà nước, quản lý giáo dục và quản lý tài chính về kế hoạch tài chính để theo dõi.
Giới thiệu khung kế hoạch tài chính nhà trường (làm cơ sở để xây dựng dự toán thu, chi ngân sách hằng năm:
Ví dụ: Kết nối kế hoạch tài chính của trường Trung học cơ sở Tây Sơn, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng với kế hoạch giáo dục nhà trường cho năm học 2021 – 2022 để thực hiện CTGDPT 2018.
(1) Xây dựng kế hoạch nhà trường triển khai CTGDPT 2018
(2) Kinh phí bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên
(3) Kinh phí bổ sung CSVC, thiết bị – công nghệ thực hiện chương trình giáo dục 2018
(4) Kinh phí chi các hoạt động khác để thực hiện chương trình GDPT 2018