Tại sao trong tổ chức mỗi hoạt động dạy học cụ thể cần thể hiện được trình tự các hành động: chuyển giao nhiệm vụ; thực hiện nhiệm vụ học tập; báo cáo kết quả và thảo luận; kết luận về quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ?
Tại sao trong tổ chức mỗi hoạt động dạy học cụ thể cần thể hiện được trình tự các hành động: chuyển giao nhiệm vụ; thực hiện nhiệm vụ học tập; báo cáo kết quả và thảo luận; kết luận về quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ?
Các yêu cầu khi xây dựng kế hoạch bài dạy
Mặc dù KHBD mang tính cá nhân và không có khuôn mẫu nhất định chung cho tất cả mọi GV, mọi môn học/HĐGD, mọi bài dạy; nhưng để có sự đồng bộ và thống nhất nhất định trong triển khai dạy học hướng đến thực hiện mục tiêu của chương trình, việc thống nhất một số yêu cầu cốt lõi cần có khi xây dựng kế hoạch bài dạy là cần thiết. Chẳng hạn như những yêu cầu về diễn đạt mục tiêu bài dạy; các nội dung cơ bản cần thể hiện trong mỗi hoạt động học; trình tự thao tác trong tổ chức hoạt động dạy học; sự vận dụng các PPDH, kĩ thuật dạy học; xây dựng công cụ đánh giá…
Căn cứ vào các tiêu chí của công văn 5555/ BGDĐT-GDTrH ngày 08 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng BGDĐT về việc hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn của trường trung học/trung tâm giáo dục thường xuyên qua mạng và đặc điểm của CTGDPT 2018, khi xây dựng KHBD một chủ đề cần đảm bảo các yêu cầu sau:
(1) Yêu cầu về sự chuẩn bị: KHBD cần được chuẩn bị cẩn thận nhưng linh hoạt. Một kế hoạch bài dạy được chuẩn bị càng cẩn thận sẽ là tiền đề tốt giúp GV thực hiện dạy học hiệu quả. Mặc dù vậy, GV nên đảm bảo rằng kế hoạch đó có thể linh hoạt thay đổi như một sự phát triển bài học và những yêu cầu xuất phát từ phía người học. Kế hoạch bài dạy theo đó là bản thiết kế để sử dụng như một hướng dẫn chứ không phải là một công thức cố định để tuân thủ một cách mù quáng. Điều này yêu cầu GV trong quá trình xây dựng kế hoạch bài dạy phải nghiên cứu kĩ đặc điểm của đối tượng HS, xem xét các điều kiện về CSVC của nhà trường, sự sẵn có hay không của phương tiện dạy học, đồng thời chú ý xem xét sự đa dạng của các hoạt động, dự phòng các tình huống phát sinh.
(2) Yêu cầu về việc đáp ứng mục tiêu của CTGDPT 2018: KHBD cần đảm bảo đáp ứng các yêu cầu cần đạt mà CTGDPT tổng thể, CTGDPT môn học đã ban hành.
(3) Yêu cầu về việc đảm bảo tiến trình tổ chức hoạt động dạy học:
- KHBD cần đảm bảo sự phù hợp của chuỗi hoạt động học và sự phù hợp của các yếu tố trong mỗi hoạt động học tập tổ chức cho HS. Kế hoạch bài dạy cần được tổ chức theo chuỗi các hoạt động, bao gồm: Mở đầu/đặt vấn đề, hình thành kiến thức, luyện tập, vận dụng. Chuỗi hoạt động này cần phù hợp với các mục tiêu và nội dung của bài dạy.
- Trong KHBD, mỗi hoạt động cần thể hiện được: Tên hoạt động, thời gian thực hiện, mục tiêu, nội dung, sản phẩm dự kiến và cách thức tổ chức tổ chức hoạt động dạy học. Mục tiêu cần được phát biểu rõ ràng, bao phủ YCCĐ của bài học.
- KHDH cần đảm bảo trong tiến trình tổ chức từng hoạt động dạy học thể hiện được trình tự các hành động: Chuyển giao nhiệm vụ; thực hiện nhiệm vụ học tập; báo cáo kết quả và thảo luận; kết luận về quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ.
(4) Yêu cầu về sự đa dạng trong hình thức, phương pháp, kĩ thuật dạy học và kiểm tra đánh giá:
- KHBD cần đảm bảo sự vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích hóa hoạt động học tập của HS, phù hợp với đặc thù môn học. Vì vậy, việc thiết kế kế hoạch bài dạy đòi hỏi GV phải sử dụng đa dạng các PPDH. Không cần thiết phải sử dụng quá nhiều PPDH trong một bài học, nhưng cũng không nên chỉ một phương pháp cho nhiều hoạt động trong bài học, hoặc từ bài học này sang bài học khác, đặc biệt là các phương pháp thụ động. GV cũng nên kết hợp nhiều phương pháp trong một hoạt động. Cùng với đó, họ nên đa dạng các phương tiện dạy học, cách thức tương tác, đa dạng về các nhiệm vụ giao cho HS và các sản phẩm HS tạo ra…
- Trong KHBD cần xác định được hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá, xây dựng được công cụ đánh giá phù hợp mục tiêu đánh giá phẩm chất, năng lực đã đề ra.
(5) Yêu cầu về việc thể hiện vai trò chủ đạo của Gv và tính tích cực học tập của HS:
- KHBD cần đảm bảo sự tham gia tích cực của HS, thể hiện qua việc GV chú trọng vào hoạt động của HS. Để thực hiện yêu cầu này, GV cần thiết kế các hoạt động học tập theo hướng sử dụng các PPDH tích cực, nhấn mạnh đến việc tổ chức các hoạt động dạy học tạo điều kiện cho HS được trải nghiệm, thực hành, tìm tòi, khám phá kiến thức; chú trọng kết hợp hoạt động cá nhân với hoạt động của nhóm, tập thể lớp; đảm bảo sự tương tác đa chiều. Đồng thời, chú trọng việc đưa ra các nhiệm vụ cho HS thực hiện, thay vì tập trung vào các hoạt động của GV trên lớp thì phải chú trọng đến hoạt động của HS.
(6) Yêu cầu về sự phù hợp của thiết bị, học liệu và phù hợp với điều kiện của nhà trường:
- KHBD cần đảm bảo sự phù hợp của phương tiện, thiết bị dạy học, học liệu với tiến trình tổ chức các hoạt động học của HS.
- KHBD cần đảm bảo phù hợp với điều kiện của nhà trường, đối tượng HS và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của GV.