Tổ chức thực hiện dự toán thu, chi ngân sách được giao thực hiện CTGDPT 2018
Yêu cầu cần đạt:
- Vận dụng được các quy định để chỉ đạo thực hiện dự toán thu – chi ngân sách được giao đúng mục đích triển khai thực hiện CTGDPT 2018.
Nhiệm vụ của người học:
- Xem video 9: Hướng dẫn một số hoạt động quản trị tài chính trường phổ thông để thực hiện CTGDPT 2018
- Nghiên cứu tài liệu về các quy định cơ bản về quản lý thu – chi ngân sách của ngành giáo dục và địa phương.
- Nghiên cứu phân tích trường hợp nghiên cứu 2 (Phụ lục 4) Công tác quản lý thu – chi ngân sách của 1 trường THCS; xác định các nội dung thu – chi phù hợp/ không phù hợp theo quy định tài chính.
1
3.3 Tổ chức thực hiện dự toán thu, chi ngân sách được giao (Quản lý thu – chi)
3.3.1. Thu, quản lý và sử dụng các khoản thu
Nguyên tắc quản lý thu:
- Thu đúng: mức thu, đối tượng thu, quy trình;
- Thu đủ: phản ánh đầy đủ vào sổ sách kế toán, báo cáo;
- Công khai: mức thu;
- Dân chủ: thảo luận bàn bạc, thống nhất mức thu, chi trong QCCTNB đối với thu dịch vụ.
Ví dụ: Quy định của Sở GDĐT tỉnh X về những khoản được phép thu trong trường học năm học 2020 – 2021:
Những khoản không được thu trong nhà trường:
Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ban hành ngày 22/11/2011 của Bộ GDĐT Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ HS quy định:
– Về việc quản lý và sử dụng kinh phí của Ban đại điện cha mẹ HS:
a. Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ HS lớp chủ trì phối hợp với GV chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên Ban đại diện cha mẹ HS lớp thống nhất ý kiến;
b. Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ HS trường thống nhất với HT để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể Ban đại diện cha mẹ HS trường thống nhất ý kiến.
– Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ HS phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ HS lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ HS trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ HS.
– Ban đại diện cha mẹ HS không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học:
a. Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.
b. Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ HS: Bảo vệ CSVC của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của HS; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng CBQL, GV, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho CBQL, GV và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Ví dụ: Quy định của Sở GD&ĐT thành phố Y về các khoản tiền Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu trong năm học 2020-2021:
3.3.2. Chỉ đạo thực hiện kế hoạch chi, thanh toán, quyết toán
Để chi tiêu trong nhà trường đúng mục đích, phục vụ kịp thời và hiệu quả các hoạt động, HT phải chỉ đạo chấp hành nghiêm chỉnh dự toán, xử lý, giải quyết hợp lý, đúng quy định các vấn đề phát sinh.
Điều kiện chi:
– Đã có trong dự toán được giao;
– Đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định trong QCCTNB;
– Được Chủ tài khoản quyết định chi;
– Có đủ hồ sơ, chứng từ thanh toán.
* Những sai phạm thường gặp về chi, thanh toán, quyết toán trong trường học
1. Đối với nguồn ngân sách được cấp
– Chưa thực hiện duyệt quyết toán theo quy định.
– Các chứng từ, hóa đơn đơn vị thực hiện sai, thiếu thông tin và không bảo đảm nguyên tắc tài chính.
2. Đối với các khoản thu ngoài ngân sách nhà nước cấp
– Hóa đơn, chứng từ chi sai quy định, thiếu thông tin, vi phạm nguyên tắc tài chính;
– Không mở sổ theo dõi các khoản thu – chi ngoài ngân sách NN cấp;
– Lập dự toán sơ sài, thiếu căn cứ thực tế (chưa quyết toán các khoản thu của học kỳ I đã tiến hành thu thêm tiền của cha mẹ học sinh);
– Sử dụng quỹ Ban đại diện hội cha mẹ HS cho các hoạt động của nhà trường (sai với quy định tai Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT);
– Sử dụng các khoản thu hộ, chi hộ không đúng mục đích;
– Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dạy không đủ số tiết theo quy định tại Thông tư 35/TT-BGDĐT vẫn nhận đủ tiền phụ cấp ưu đãi (Thông tư số 03/VBHN-BGDĐT ngày 23 tháng 6 năm 2017 ban hành chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông)
3.3.3. Kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua kho bạc nhà nước
* Các văn bản quy định:
– Thông tư 13/2017/TT-BCTC thay thế Thông tư 164/2012/TT-BCTC về quản lý thu chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN;
– Thông tư 39/2016/TT-BTC ngày 01/3/2016 sửa đổi TT 161/2012 có hiệu lực từ 15/4/2016;
* Các công việc cần làm:
– Từ dự toán đã được phê duyệt, kế toán trưởng trình lãnh đạo phương án phân phối kinh phí cho từng hoạt động và thông báo cho từng bộ phận trong trường THCS thực hiện. Hiệu trưởng trực tiếp lãnh đạo việc chấp hành dự toán đã duyệt.
– Tổ chức theo dõi việc thực hiện các khoản thu, chi, quản lý chặt chẽ các khoản chi có định mức để nắm vững tình hình tiết kiệm hoặc điều chỉnh kịp thời những khoản chi còn dư tiền. Tiến độ chi tiêu phải đi đôi với tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
Sử dụng các nguồn kinh phí phải tuân thủ đúng quy định của Nhà nước.
– Quản lý chi các khoản mua sắm, sửa chữa, không sử dụng lẫn lộn các nguồn kinh phí. Việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm và sửa chữa tài sản cố định phải có kế hoạch và phải báo cáo cấp quản lý để được phê duyệt theo phân cấp quản lý quy định.
Trong quá trình thực hiện, nếu nhà trường phát hiện những khó khăn trở ngại thì phải đề xuất với cơ quan lãnh đạo và cơ quan quản lý tài chính giải quyết kịp thời, nhằm bảo đảm việc chấp hành dự toán được tốt.
Việc chấp hành dự toán phải có biện pháp thích hợp, sát với yêu cầu của từng giai đoạn, đồng thời có kế hoạch quý và biết thực hiện điều chỉnh ngân sách lúc cần thiết. Thực hiện thu, chi quý cần đảm bảo phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tiễn và bảo đảm thực hiện được các chỉ tiêu kế hoạch trong quý.
Theo dõi việc cấp phát hạn mức kinh phí là việc cần lưu ý trong công tác chỉ đạo tài chính của hiệu trưởng.
Trên cơ sở dự toán chi cả năm đã được duyệt và nhiệm vụ phải chi trong quý, đơn vị sử dụng ngân sách phải dự toán chi quý một cách chi tiết (có chia ra tháng), theo các mục chi của mục lục ngân sách Nhà nước và gửi cơ quan quản lý cấp trên. Cơ quan quản lý cấp trên tổng hợp lập dự toán chi ngân sách quý (có chia ra tháng) và gửi cơ quan tài chính đồng cấp theo đúng thời gian quy định của cơ quan tài chính.
Do dự toán quý mang tính chất điều hành, nên cơ quan tài chính và cơ quan quản lý cấp trên không thông báo dự toán quý được duyệt cho đơn vị sử dụng ngân sách mà thể hiện thông qua thông báo hạn mức hoặc phân phối hạn mức hàng quý. Trong quá trình chấp hành dự toán, nhà trường cần chủ động trong việc chi tiêu theo dự toán đã được duyệt. Cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước sẽ bảo đảm kinh phí kịp thời cho các nhiệm vụ chi đủ điều kiện cấp phát. Cuối năm, các khoản chi chưa kịp thực hiện sẽ được chuyển sang năm sau.
Yêu cầu công tác tài chính trường học đòi hỏi nhà trường phải sử dụng minh bạch các nguồn kinh phí, chi tiêu tiết kiệm và đặt vào trung tâm lợi ích của việc học tập, giảng dạy.
Hiệu trưởng phải theo dõi, quản lý chặt chẽ việc thực hiện các khoản thu, chi theo định mức; nắm vững tình hình và điều chỉnh kịp thời những khoản chi còn dư tiền; đảm bảo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, không để các thủ tục tài chính làm cản trở công việc chuyên môn; chỉ đạo quản lý, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm và sửa chữa tài sản; chỉ đạo thực hiện đúng quy định tài chính trong việc thanh quyết toán; đảm bảo thực hiện đúng, kịp thời chế độ, chính sách tiền lương, thu nhập.