[cbql]Tìm hiểu về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong giáo dục Blogtailieu.com share
Tìm hiểu về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong giáo dục
Yêu cầu cần đạt:
- Trình bày được khái niệm cơ chế tự chủ trường tiểu học công lập;
- Trình bày được nguyên tắc và nội dung thực hiện cơ chế tự chủ trong trường tiểu học công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Nhiệm vụ của người học:
- Xem video: Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và yêu cầu, nhiệm vụ của hiệu trưởng trường phổ thông để thực hiện Chương trình GDPT 2018;
- Nghiên cứu tài liệu: Khái quát về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong giáo dục;
- Nghiên cứu Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;
- Trả lời các câu hỏi, làm các bài tập trắc nghiệm liên quan đến nội dung bài học của hoạt động 1.1.
Cơ chế tự chủ của đơn vị …>Tìm hiểu về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong giáo dục
CƠ CHẾ TỰ CHỦ CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TRONG GIÁO DỤC
1.1. Khái quát về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong giáo dục
1.1.1. Cơ chế tự chủ trong các cơ sở giáo dục tiểu học công lập
Xây dựng cơ chế tài chính mới cho GDĐT nhằm huy động ngày càng tăng và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội để nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và bảo đảm công bằng trong GDĐT; đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần xây dựng hệ thống các chính sách để tiến tới mọi người ai cũng được học hành với nền giáo dục có chất lượng ngày càng cao.
Cơ chế tự chủ tài chính đối với các trường công lập là một trong những nội dung chính, quan trọng trong Nghị định số 16/2015/NĐ-CP. Theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP, những vấn đề về tự chủ tài chính đã quy định chi tiết nhằm đổi mới toàn diện các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Theo đó, đơn vị tự chủ càng cao về tài chính thì được tự chủ cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự.
Theo Điều 3, Nghị định 16/2015/NĐ-CP: “Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công” là các quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của đơn vị sự nghiệp công.
1.1.2. Nguyên tắc thực hiện cơ chế tự chủ trong các cơ sở giáo dục tiểu học công lập
Điều 3, Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định nguyên tắc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập:
- Hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đối với hoạt động sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ (gọi tắt là hoạt động dịch vụ) phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, phù hợp với khả năng chuyên môn và tài chính của đơn vị.
- Thực hiện công khai, dân chủ theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện quyền tự chủ phải gắn với tự chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và trước pháp luật về những quyết định của mình; đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
1.1.3. Nội dung thực hiện cơ chế tự chủ trong các cơ sở giáo dục tiểu học công lập
Trong hơn 10 năm qua, các quy định về tự chủ và trách nhiệm giải trình các trường công lập đã có nhiều bước phát triển: từ giao tự chủ tài chính (Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/1/2002 về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu) đến Nghị định 43 NĐ-CP ngày 25/4/2006 về việc giao quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, biên chế và Tài chính và gần đây là Nghị định 16/2015/NĐ-CP, ngày 14/2/2015 Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định 16/2015/NĐ-CP điều chỉnh cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng cường trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích các đơn vị có điều kiện vươn lên tự chủ ở mức cao.
Nội dung tự chủ bao gồm:
- Tự chủ về thực hiện nhiệm vụ;
- Tự chủ về tổ chức bộ máy;
- Tự chủ về nhân sự;
- Tự chủ về tài chính.
1.1.3.1. Tự chủ về thực hiện nhiệm vụ
- a) Tự chủ trong xây dựng kế hoạch
Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của trường TH công lập bao gồm phần kế hoạch do trường tự xác định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, năng lực của nhà trường theo quy định của pháp luật và phần kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
- i) Đối với trường TH không sử dụng kinh phí NSNN: Trường TH công lập tự xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để theo dõi, kiểm tra và giám sát việc thực hiện;
- ii) Đối với trường TH công lập sử dụng kinh phí NSNN: Đơn vị sự nghiệp công xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để phê duyệt và quyết định phương thức giao kế hoạch cho đơn vị thực hiện.
- b) Tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ
- i) Hoạt động tuyển sinh
– Trường TH được nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và trường TH tự bảo đảm một phần chi thường xuyên theo quy định của pháp luật xây dựng kế hoạch tuyển sinh hằng năm theo yêu cầu, chỉ tiêu do cấp có thẩm quyền quy định.
– Trường TH tự bảo đảm chi thường xuyên, trường TH tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của pháp luật được tự chủ xác định phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, đối tượng tuyển sinh và địa bàn tuyển sinh phù hợp với kế hoạch, nhu cầu phát triển giáo dục của địa phương và điều kiện bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục.
– Việc tổ chức tuyển sinh hằng năm của trường TH thực hiện theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
– Hiệu trưởng trường TH tổ chức xây dựng kế hoạch tuyển sinh hằng năm, trình Hội đồng trường phê duyệt, báo cáo cấp có thẩm quyền và tổ chức thực hiện; chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức tuyển sinh; đánh giá quá trình và kết quả thực hiện kế hoạch tuyển sinh của nhà trường.
- ii) Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường
– Trường TH được tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện của địa phương và có đủ các thành phần cơ bản sau:
+ Mục tiêu giáo dục của cơ sở giáo dục theo chiến lược, kế hoạch và phương hướng phát triển của cơ sở giáo dục trong từng giai đoạn;
+ Kế hoạch tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành; các hoạt động giáo dục đặc thù đối với các cơ sở giáo dục chuyên biệt; bảo đảm yêu cầu thực hiện một chương trình giáo dục thống nhất cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục;
+ Kế hoạch tổ chức cho giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh tham gia hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng;
+ Kế hoạch huy động, bố trí và sử dụng các nguồn lực để tổ chức các hoạt động giáo dục, bảo đảm khả thi, chất lượng và hiệu quả.
– Trường TH tự bảo đảm chi thường xuyên, trường TH tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của pháp luật được tự chủ thực hiện chương trình giáo dục tích hợp giữa chương trình giáo dục của Việt Nam với chương trình giáo dục của nước ngoài theo quy định của pháp luật.
– Hiệu trưởng trường TH tổ chức xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường vào đầu hằng năm học, trình Hội đồng trường phê duyệt, báo cáo cấp có thẩm quyền và tổ chức thực hiện; chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục nhà trường; đánh giá quá trình và kết quả thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường.
iii) Tổ chức hoạt động giáo dục
– Hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục nhà trường được tổ chức thực hiện trong và ngoài khuôn viên nhà trường như sau:
+ Sử dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và giáo dục tích cực, học qua làm; chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, nghiên cứu, thực hành, trải nghiệm;
+ Thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
+ Phối hợp với gia đình và xã hội trong tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục và địa phương.
– Hiệu trưởng trường TH chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục nhà trường; đánh giá quá trình và kết quả thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường.
iiii) Quản lý điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục
– Việc quản lý điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục của trường TH phải đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Quản lý, sử dụng giáo viên, nhân viên, người lao động theo quy định về vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các quy định khác có liên quan;
+ Tổ chức quản lý và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của cơ sở giáo dục gắn với việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường theo quy định tại Nghị định này;
+ Thực hiện đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
– Trường TH tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của pháp luật được tự chủ việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng giáo viên, nhân viên, người lao động theo quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy và nhân sự trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; được tự chủ trong việc mua sắm, quản lý và sử dụng thiết bị, tài liệu, học liệu dạy học theo quy định của pháp luật về tài chính, tài sản trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên.
– Hiệu trưởng trường TH chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch quản lý điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục, trình Hội đồng trường phê duyệt và tổ chức thực hiện; chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức quản lý và sử dụng hiệu quả giáo viên nhân viên, người lao động và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.
1.1.3.2. Tự chủ về tổ chức bộ máy
Nhà trường được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị không thuộc cơ cấu tổ chức các đơn vị cấu thành theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, khi đáp ứng các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; xây dựng phương án sắp xếp lại các đơn vị cấu thành trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Riêng trường TH công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công do NSNN bảo đảm chi thường xuyên: Xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của đơn vị trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.
1.1.3.3. Tự chủ về nhân sự
– Nhà trường xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và quản lý viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật; thuê hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ.
– Nhà trường tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên quyết định số lượng người làm việc; đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên đề xuất số lượng người làm việc của đơn vị trình cơ quan có thẩm quyền quyết định; đơn vị sự nghiệp công do NSNN bảo đảm chi thường xuyên đề xuất số lượng người làm việc trên cơ sở định biên bình quân 05 năm trước và không cao hơn số định biên hiện có của đơn vị, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định (đối với các đơn vị sự nghiệp công mới thành lập, thời gian hoạt động chưa đủ 05 năm thì tính bình quân cả quá trình hoạt động).
– Trường hợp nhà trường chưa xây dựng được vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, số lượng người làm việc được xác định trên cơ sở định biên bình quân các năm trước theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
1.1.3.4. Tự chủ về tài chính
– Việc giao quyền tự chủ tài chính cho các trường TH công lập sẽ căn cứ trên tổng thể các nguồn thu của đơn vị, bao gồm cả nguồn NSNN (đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ …).
– Tự chủ tài chính đối với các trường TH công lập trên nguyên tắc đơn vị tự chủ cao về nguồn tài chính thì được tự chủ cao về quản lý, sử dụng các kết quả tài chính và ngược lại. Quy định này nhằm khuyến khích các trường tự chủ thấp phấn đấu tăng nguồn thu để được mức tự chủ cao hơn.
– Tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp được quy định theo các mức độ cụ thể đó là:
+ Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;
+ Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên;
+ Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí, được Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá chưa tính đủ chi phí);
+ Tự chủ tài chính đối với đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp).
Phần lớn các trường TH công lập hiện nay thộc loại tự chủ một phần chi thường xuyên – Tự chủ trong xác định mức thu: Trường học được tự xác định giá dịch vụ theo nguyên tắc thị trường đối với loại dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN. Đối với loại dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN, đơn vị được quyết định mức thu theo lộ trình tính giá do Nhà nước công bố.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các đơn vị tự chủ tốt hơn, Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định, căn cứ vào tình hình thực tế, các đơn vị sự nghiệp công được thực hiện trước lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công.
– Tự chủ trong chi đầu tư và chi thường xuyên:
+ Các trường TH được chủ động sử dụng các nguồn tài chính được giao tự chủ, nguồn thu phí theo quy định được để lại chi và nguồn thu hợp pháp khác, để chi thường xuyên.
+ Đối với các nội dung chi đã có định mức chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Căn cứ vào khả năng tài chính, trường TH được quyết định mức chi cao hơn hoặc thấp hơn mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và quy định trong QCCTNB của đơn vị.
Tuy nhiên, đối với một số định mức, tiêu chuẩn quy định mang tính chất chung cho khối cơ quan nhà nước thì các trường TH cũng phải tuân thủ, như tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, nhà làm việc, trang bị điện thoại, chế độ công tác phí nước ngoài, tiếp khách nước ngoài, hội thảo quốc tế.
+ Đối với các nội dung chi chưa có định mức chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ tình hình thực tế, trường TH xây dựng mức chi cho phù hợp theo QCCTNB.
+ Các trường TH được chủ động xây dựng danh mục các dự án đầu tư, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; sau khi danh mục dự án đầu tư được phê duyệt, đơn vị được quyết định dự án đầu tư; được vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước hoặc được hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng theo quy định. Căn cứ yêu cầu phát triển của đơn vị, Nhà nước xem xét bố trí vốn cho các dự án đầu tư đang thực hiện, các dự án đầu tư khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Về chi tiền lương và thu nhập tăng thêm:
+ Về tiền lương: Các trường TH chi trả tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công. Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương cơ sở, đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên phải tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị, NSNN không cấp bổ sung; đối với đơn vị chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, chi tiền lương tăng thêm từ các nguồn theo quy định, bao gồm cả nguồn NSNN cấp bổ sung (nếu thiếu).
+ Về phần thu nhập tăng thêm: các đơn vị được chủ động sử dụng Quỹ bổ sung thu nhập để thực hiện hiện phân chia cho người lao động trên cơ sở QCCTNB của đơn vị, theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công tác của người lao động.
– Tự chủ về giá, phí: Giá, phí là vấn đề hết sức quan trọng để đơn vị sự nghiệp công lập có thể tiến tới hạch toán đầy đủ, từ đó chuyển sang cơ chế tự chủ ở mức cao hơn, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công một cách bền vững; đồng thời, đây cũng là điểm quan trọng thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện thu hút thêm các nhà đầu tư từ các thành phần kinh tế khác.
Chính vì vậy, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP đã quy định các điều về giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, danh mục dịch vụ sự nghiệp công; đồng thời phân định dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN và dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN.
– Tự chủ về trích lập các quỹ: Hằng năm, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp NSNN khác (nếu có) theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi, đơn vị được sử dụng để trích lập các quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ bổ sung thu nhập, quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi.
Ngoài ra, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP cũng cho phép các đơn vị được trích lập các quỹ khác theo quy định của pháp luật. Mức trích các quỹ căn cứ vào mức độ tự chủ tài chính của đơn vị.
Đối với Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp
Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên: Trích tối thiểu 25% chênh lệch thu lớn hơn chi; đơn vị chưa tự bảo đảm một phần chi thường xuyên trích tối thiểu 15%; đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, nếu có kinh phí tiết kiệm chi và số tiết kiệm chi lớn hơn một lần quỹ tiền lương thực hiện thì trích tối thiểu 5%.
Ngoài ra, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện trích khấu hao tài sản cố định theo quy định. Tiền trích khấu hao tài sản hình thành từ nguồn vốn NSNN hoặc có nguồn gốc từ ngân sách được hạch toán vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.
Đối với Quỹ bổ sung thu nhập
Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được quyết định mức trích Quỹ bổ sung thu nhập (không khống chế mức trích); đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên trích tối đa không quá 3 lần quỹ tiền lương; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên trích tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương; đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên trích tối đa không quá 1 lần quỹ tiền lương.
Việc xác định mức trích Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 3 lần quỹ tiền lương đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; trên cơ sở có so sánh với mức trần lương của các doanh nghiệp nhà nước; đồng thời, cũng phù hợp với thực tế chi trả thu nhập tăng thêm của các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay.
Đối với Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi
Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên: trích tối đa không quá 3 tháng tiền lương, tiền công trong năm của đơn vị; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên trích tối đa không quá 2 tháng tiền lương, tiền công; đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên trích tối đa không quá 1 tháng tiền lương, tiền công.
– Tự chủ trong giao dịch tài chính: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sự nghiệp trong giao dịch với bên ngoài, đặc biệt là trong các hoạt động liên doanh, liên kết, đồng thời tạo thêm nguồn thu cho đơn vị, Nghị định 16/2015/NĐ-CP đã quy định: Đơn vị sự nghiệp công được mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước (KBNN) để phản ánh các khoản thu, chi hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng NSNN. Lãi tiền gửi đơn vị được bổ sung vào quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp hoặc bổ sung vào quỹ khác theo quy định của pháp luật (nếu có), không được bổ sung vào quỹ bổ sung thu nhập.
Riêng các khoản kinh phí thuộc NSNN, các khoản thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, các khoản thu phí theo pháp lệnh phí, lệ phí thì đơn vị sự nghiệp công vẫn phải mở tài khoản tại KBNN để phản ánh.
Nghị định số 16/2015/NĐ-CP cũng quy định, đơn vị sự nghiệp công lập được huy động vốn, vay vốn để đầu tư, xây dựng CSVC theo quy định của pháp luật và phải có phương án tài chính khả thi để hoàn trả vốn vay; chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc huy động vốn, vay vốn.
Tại khoản 2, Điều 24 Nghị định 16/2015/NĐ-CP cũng quy định: Trong khi chưa ban hành hoặc sửa đổi Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong từng lĩnh vực cụ thể theo quy định tại Khoản 1 Điều 24, các đơn vị sự nghiệp công theo từng lĩnh vực được tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong khi Chính phủ chưa có văn bản mới hướng dẫn chi tiết các trường tiểu học công lập đang thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và Nghị định 16/2015/NĐ-CP.
Trả lời câu hỏi
Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ những vấn đề gì?
Thực tế hiện nay ở trường thầy/cô đang công tác được tự chủ những nội dung cụ thể nào?
- Chọn đáp án đúng nhất
Thực tế hiện nay các trường tiểu học thực hiện tự chủ theo văn bản nào:
Nghị định 16/2015/NĐ-CP
Nghị định 43/2006/NĐ-CP
Thông tư 71/2006/TT-BTC
Cả 3 đáp án trên đều đúng
Xem thêm:
Đáp án trắc nghiệm modul 3 CBQL
Mô đun 2 CBQL Đại trà Tiểu Học
Câu hỏi Đáp án modul 3 CBQL đại trà
Bài tập thực hành CBQL mo dun 2
Liên hệ Hoàng Trần
Để nhận Đáp án module 3 Cán bộ quản lý CBQL full, chi tiết